Thống nhất kéo dài thời gian thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

(BKTO) - Thảo luận tại hội trường sáng 5/11, về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (Nghị quyết số 30), đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 02 năm, kể từ ngày 01/02/2019, đồng thời, để nghị Chính phủ sớm khẩn trương tổng kết và đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để quy định vấn đề này.



Số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để triển khai thi hành Nghị quyết số 30 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2017, cùng thời điểm thi hành với Nghị quyết số 30.
                
   

Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm trình bày báo cáo tại phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

   
Theo số liệu thống kê từ ngày 1/2/2017 đến ngày 15/10/2018, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã cấp 336.932 thị thực điện tử cho người nước ngoài, trong đó, 327.310 lượt người nước ngoài tự làm thủ tục; 9.622 lượt người nước ngoài thông qua cơ quan, DN mời, bảo lãnh đề nghị cấp thị thực điện tử. Số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh, từ tháng 2 đến tháng 6/2018, đã có 115.349 thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài, tăng 273% so với cùng kỳ năm 2017.

Thủ tục cấp thị thực điện tử thực hiện đơn giản, đảm bảo thuận lợi, công khai, minh bạch. Công tác xét duyệt nhân sự cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài đảm bảo chặt chẽ, không để lọt các trường hợp người nước ngoài thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam. Việc kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại các cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an ninh, an toàn, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, chưa phát sinh những vấn đề phức tạp; không để người nước ngoài thuộc diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam.

Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ trưởng Bộ Công an cũng chỉ rõ, việc thực hiện Nghị quyết số 30 đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế, chủ yếu trong công tác triển khai thực hiện. Một số người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh không đúng cửa khẩu đã được duyệt trên thị thực điện tử hoặc qua các cửa khẩu quốc tế không có trong danh sách 28 cửa khẩu quốc tế nên đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh khó khăn trong việc giải quyết tại cửa khẩu; tốc độ truy cập Trang thông tin cấp thị thực điện tử có lúc còn hạn chế, người nước ngoài còn gặp lỗi kỹ thuật khi truy cập; số lượng người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử chiếm tỷ lệ chưa cao so với tổng số người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Đánh giá tổng quát, Chính phủ thấy rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 là chủ trương đúng đắn. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước.

Trên cơ sở kết quả tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 02 năm, kể từ ngày 1/2/2019.

Sớm sửa đổi, bổ sung Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy banQuốc phòng và An ninh của Quốc hộiVõ Trọng Việt nêu rõ, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, Ủy ban cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30 trong thời gian 2 năm kể từ ngày 01/02/2019 để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước thời gian kết thúc việc thí điểm. Nội dung này đề nghị Quốc hội cho quy định trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6.
                
   

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn

   

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 30 và đồng tình với đề xuất của Chính phủ tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, việc kéo dài thí điểm để có thời gian chuẩn bị vững chắc hơn cả về thể chế và cơ chế.

Theo các đại biểu Quốc hội, việc cấp thị thực điện tử thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực và lợi ích to lớn cho Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng, việc kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại các cửa khẩu đường không, đường bộ đã bảo đảm an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, góp phần thu hút hơn nữa người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường và tiềm kiếm cơ hội đầu tư. Số liệu tổng kết thực hiện nghị quyết của Quốc hội cho thấy số lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực điện tử tăng lên nhanh theo thời gian và đáng chú ý số lượng lớn đến từ các nước Âu, Mỹ, đây là thị trường du lịch mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho đất nước ta.

Đại biểu Quốc hội Bùi Mậu Quân (Hải Dương) đánh giá, chính sách cấp thị thực điện tử đã làm thủ tục hành chính xuất, nhập cảnh trở nên nhanh chóng và đơn giản hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài vào Việt Nam một cách dễ dàng; hợp với xu thế chung của khu vực; có thêm thời gian để hoàn chỉnh Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đại điểu Quân đề nghị Chính phủ cần nâng cấp hệ thống thị thực điện tử để đảm bảo cho việc vận hành ổn định và thông suốt; đồng thời nghiên cứu, tiếp tục mở rộng và bổ sung các nước có công dân cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế để cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, triển khai mạnh mẽ, có phương án đa dạng hóa công tác tuyên truyền về chính sách cấp thị thực điện tử tới công dân các nước một cách rộng rãi. Đặc biệt, tiếp tục hoàn chỉnh Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị, cùng với việc tiếp tục cho thí điểm, Bộ Công an phải bắt tay ngay vào việc sửa Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để kịp đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của năm 2019 và năm 2020 để sửa luật.

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng kết cho thấy phí thu được từ cấp thị thực điện tử là gần 200 tỷ đồng, nếu tiếp tục triển khai, số thu sẽ tăng thêm. Mặt khác, việc tiếp tục cấp thị thực sẽ thu hút hơn nữa khách du lịch đến Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Chính phủ sẽ có quy định về các nước cấp thị thực, cân nhắc trên cơ sở cấp thận trọng, thực hiện từng bước, vừa đáp ứng yêu cầu đối ngoại, vừa bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • 10 tháng: Xuất khẩu lao động đã vượt chỉ tiêu cả năm 2018
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động, đạt 106,07% kế hoạch năm 2018. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 10/2018, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 14.548 lao động.
  • Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thay mặt Chính phủ thuyết minh về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước Quốc hội sáng 2/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam…
  • TP. Hà Nội được lập Đề án thu phí vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và TP. Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực cho việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thủ đô. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông vẫn chưa được cải thiện nhiều.
  • Trái phiếu xanh - kênh thu hút vốn đầy tiềm năng
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Tổ chức năng lượng quốc tế IEA, để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần một khoản đầu tư lên đến 46 nghìn tỷ USD, tương đương với 1 nghìn tỷ/năm. Hiện nay, nguồn tài chính cho các dự án chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ sạch và thân thiện với môi trường đang là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia. Bởi vậy, trái phiếu xanh (TPX) đang được xem như một kênh thu hút vốn hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
  • Thúc đẩy đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam ở vị trí 77 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, tụt 3 bậc so với năm 2017 (Việt Nam ở vị trí 74 trên tổng số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Thống nhất kéo dài thời gian thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài