Theo nhận định của các chuyên gia, ùn tắc giao thông tại Hà Nội gây thiệt hại 1-1,2 tỷ USD/năm, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm 2.5 đang gấp khoảng 3 lần; thời gian đi lại của người dân thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm. Ngoài ra, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng.
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội gây thiệt hại 1-1,2 tỷ USD/năm - Ảnh: ST |
Bên cạnh đó, vận tải hành khách công cộng vẫn kém phát triển, với tỷ lệ đáp ứng khoảng 8- 9%; tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với quy chuẩn mới đạt 8,65% trên tổng diện tích đất dành cho đô thị trong khi theo quy chuẩn phải đạt từ hơn 16- 26%. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng phương tiện so với tốc độ tăng trưởng hạ tầng đang không cân xứng. Theo thống kê, Hà Nội hiện đang có khoảng 5,5 triệu xe máy; gần 500 nghìn ô tô, trong đó có trên 327.000 ô tô con. Đến năm 2020, Thủ đô sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu xe môtô, xe gắn máy; năm 2030 số ôtô sẽ hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về các nội dung TP. Hà Nội đề xuất liên quan đến bổ sung phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về các nội dung TP. Hà Nội đề xuất liên quan đến bổ sung phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Mục đích của việc này là để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào và quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.
Văn bản cũng yêu cầu, UBND TP. Hà Nội tiếp thu các ý kiến của Bộ Tài chính để lập “Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới”, trình HĐND TP. Hà Nội trước khi báo cáo Chính phủ theo đúng quy định tại Luật phí và Lệ phí.
Cùng với đó, UBND TP. Hà Nội báo cáo Bộ Tài chính về cơ sở pháp lý, sự cần thiết, nội hàm và tác động của khoản phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ. Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP. Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để thu phí xe vào nội đô và phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiệngiao thông trong nội thành thông qua việc thu phí phương tiện đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.