Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, những con số, những kết quả đầy thuyết phục được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và ý kiến của một số Bộ, ngành, địa phương, có thể khẳng định: Chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, ghi nhận, chúc mừng, biểu dương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài về những nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2024, tạo nền tảng, động lực mới, khí thế mới, tâm thế mới cho việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo đà cho mục tiêu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước.
15/15 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2024. Nổi bật là sự phục hồi tích cực của nền kinh tế với mức tăng trưởng cao; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát hiệu quả; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm vững chắc. An sinh xã hội được cải thiện rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, cao nhất khu vực và thế giới trong bối cảnh khó khăn toàn cầu.
Tổng Bí thư biểu dương các thành phố lớn luôn giữ vị trí top đầu đóng góp vào tăng trưởng, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... và các địa phương dù còn nhiều khó khăn nhưng vào các tỉnh có chỉ số tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách cao, như: Bắc Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh và Kiên Giang.
Tổng Bí thư chỉ rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020-2025 - năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
“Tôi cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ và ý kiến phát biểu của các đại biểu về dự báo tình hình, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực. Chúng ta cần chủ động ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục phức tạp, khó đoán định; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ” - Tổng Bí thư nhấn mạnh; đồng thời, lưu ý một số nội dung, định hướng trọng tâm, như: Cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế. "Chúng ta đã tổng kết 40 năm đổi mới và thống nhất rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để vững bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển".
Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Điều này không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, minh bạch hóa, đẩy mạnh phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính - ngân sách, quản lý tài nguyên. Cùng với đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là mục tiêu then chốt để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ổn định quán triệt phương châm “phát triển để ổn định- ổn định để phát triển”.
Chuyển đổi số quốc gia cần được đẩy mạnh, phát triển kinh tế số và tăng cường kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, coi trọng chất lượng tăng trưởng và phấn đấu tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Tổng Bí thư yêu cầu cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin - cho” và tư duy bao cấp. Ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Đồng thời, cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo sự năng động, sáng tạo để các địa phương tự tìm cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng hai con số, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cả nước.
Tổng Bí thư cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược quốc gia, nhất là dự án về hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt cao tốc, cảng biển, sân bay, năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Toàn quốc phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc, trên 1.000km đường bộ ven biển và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; thực hiện hiệu quả quy hoạch điện VIII; hoàn thiện cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là hydrogen, điện hạt nhân...
Cùng với đẩy mạnh thương mại hóa 5G, các đơn vị nghiên cứu 6G, phát triển vệ tinh viễn thông. Các lĩnh vực mới cần được tăng cường nghiên cứu và khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, biển và ngầm nhằm mở ra những cơ hội phát triển kinh tế mới và gia tăng năng lực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, bảo vệ tài nguyên và chủ quyền quốc gia. Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới sáng tạo như tinh thần "khoán 10" trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao hay công nghệ sinh học.Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị kinh tế mới...
Những năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng. “Thực tiễn đã chứng minh rằng, càng trong khó khăn, chúng ta càng thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng và vươn lên mạnh mẽ. Và có thể khẳng định rằng, thời điểm hiện tại chúng ta đã có đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” - Tổng Bí thư nhấn mạnh; đồng thời mong muốn các đồng chí lãnh đạo, từng cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức sẽ thấm nhuần tư tưởng trung tâm "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc"./.