Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc tăng lương cơ sở, lương hưu

(BKTO) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong kết luận của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 11/10, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; kế hoạch thực hiện năm 2023.



                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: VQPH

   

Xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội; khẳng định, năm 2022, vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%, đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình mục tiêu và chương trình phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng, 14/15 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch.

Phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương, 44/63 tỉnh, thành có GRDP tăng trên 6%...

Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung như: sự ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại trước tình hình nợ xấu gia tăng và hiện tượng bất ổn ở một vài ngân hàng thương mại gần đây; thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản và mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng an ninh tài chính, tác động của việc neo giữ tỷ giá USD đối với xuất nhập khẩu, giữ dự trữ ngoại hối.

UBTVQH cũng yêu cầu làm rõ thực trạng, khả năng kiểm soát lạm phát, nguyên nhân và giải pháp khắc phục việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giảm tác động đến thu hút đầu tư khi năm 2023, các nước áp dụng quy tắc thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu, giải pháp tháo gỡ; vai trò của Quốc hội, UBTVQH, đại biểu Quốc hội trong ban hành các quyết sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh, năm 2023 dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó.

UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như Chính phủ đã trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ thuyết minh rõ hơn căn cứ xác định chỉ số CPI là 4,5%, chỉ tiêu bác sĩ giường bệnh trên dân số, chỉ tiêu bảo hiểm xã hội chưa đạt. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

UBTVQH cũng lưu ý, cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn. Các đối tượng thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả, lạm phát để chủ động có giải pháp phù hợp. Xây dựng kịch bản để ứng phó với nguy cơ đình trệ về lạm phát của kinh tế thế giới, bảo đảm ổn định trong các điều kiện bất định.

Đồng thời, cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chủ động để ứng phó với tình hình thế giới; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Kiểm soát chặt chẽ lạm phát, lưu ý rủi ro lạm phát đến từ phía cầu do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ và đến cả từ phía cung do đứt gãy nguồn cung, giá năng lượng cao, có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện và xăng dầu.

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả

Về thực hiện NSNN năm 2022; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023, UBTVQH cơ bản thống nhất và đánh giá cao việc thực hiện dự toán thu NSNN năm 2022 ước vượt cao so với dự toán, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép đã góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

   

UBTVQH cũng cơ bản nhất trí với phương án xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2023-2025, đề nghị Chính phủ cần bám sát để bảo đảm tính thực tế, khả thi và đề nghị điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong điều kiện mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sắp xếp nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối các nguồn lực; bổ sung đánh giá tác động của việc các năm trước lập dự toán thu thấp, làm thu hẹp không gian tài khóa để tính toán tích cực hơn nữa thu NSNN…

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, công trình, dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia bố trí đủ vốn để thu hồi vốn tạm ứng, vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản.

Đáng chú ý, UBTVQH đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công.

“Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra, báo cáo của Kiểm toán nhà nước để hoàn chỉnh báo cáo về kinh tế - xã hội, báo cáo về ngân sách đầu tư công để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Tạo sức hấp dẫn trong đấu giá biển số xe ô tô
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Khẳng định việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị nghiên cứu một mức giá khởi điểm thống nhất, phù hợp để áp dụng toàn quốc, tạo sức hấp dẫn cho người dân tham gia đấu giá. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đấu giá biển số xe không phải mục tiêu duy nhất là thu tiền.
  • Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022: Hướng tới tương lai số bền vững
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 11/10, Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 (Việt Nam International Digitak Week - VIDW2022) do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) chủ trì tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
  • Chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện số 908/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ.
  • Tăng trưởng kinh tế ước đạt 8%, vượt mục tiêu đề ra
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chính phủ dự kiến, năm 2022 kinh tế - xã hội nước ta đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao, trong đó tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
  • Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn đại biểu Khối Doanh nghiệp Trung ương
    một năm trước Chính trị
    (BKTO)- Hướng đến kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, sáng 10/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng Đảng. Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, doanh nghiệp Nhà nước không chỉ giải quyết các thách thức phát triển kinh tế - xã hội mà còn là “ngọn cờ” bảo vệ lý tưởng và con đường chủ nghĩa xã hội.
Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc tăng lương cơ sở, lương hưu