Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính. (Ảnh: quochoi.vn) |
Theo đó, Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022. Trước khi thông qua dự thảo luật, Quốc hội đã xin ý kiến biểu quyết của đại biểu về phương án cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Kết quả biểu quyết có 390/452 (80,91%) đại biểu tán thành phương án không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước vào luật này.
Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Vấn đề cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung cho ý kiến tại phiên thảo luận trước đó.
Theo đó, một số ý kiến tán thành phương án 1, không bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Một số ý kiến tán thành phương án 2, bổ sung biện pháp này.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Do ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Kết quả cho thấy, trong số 399 phiếu gửi ý kiến, có 207 phiếu tán thành đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế này; 190 phiếu tán thành phương án 2 quy định bổ sung nội dung này. Do số lượng đại biểu Quốc hội ủng hộ từng phương án chênh lệch nhau không lớn, đồng thời đều chưa vượt quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình cả 2 phương án như thể hiện tại khoản 43 Điều 1 của dự thảo Luật để Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1, vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, về cơ bản không có khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiện nay một số hành vi vi phạm như “xúc phạm dân tộc”, “gây mất đoàn kết dân tộc”, “phương hại đến truyền thống văn hóa dân tộc”, “kỳ thị dân tộc”... đã được quy định trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, văn hóa, du lịch... Qua thực tiễn áp dụng pháp luật, Chính phủ, các cơ quan trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước không gặp khó khăn, vướng mắc.
Do đó, trong lần sửa đổi này chưa bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực dân tộc. Quá trình thi hành Luật nếu cần thiết phải tách riêng lĩnh vực này, Chính phủ có thể quy định sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo dangcongsan.vn