Thu hút đầu tư là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Vĩnh Phúc

(BKTO) - Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, 2 tháng đầu tiên của năm 2024, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút được 7 dự án đầu tư mới, trong đó có 5 dự án FDI và 2 dự án DDI (doanh nghiệp do nhà đầu tư trong nước thành lập); điều chỉnh tăng vốn cho 9 lượt dự án FDI và 4 lượt dự án DDI.

1.jpg
Vĩnh Phúc sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm cho các dự án FDI đạt hơn 120 triệu USD, đạt 30% kế hoạch năm 2024; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm cho các dự án DDI đạt hơn 1.280 tỷ đồng, đạt 128% so với kế hoạch năm 2024. Trong số đó có các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia như: Honda, Toyota, Piaggio… Đây là các nhà đầu tư có đóng góp lớn trong bức tranh kinh tế của tỉnh hiện nay.

Lũy kế đến hết tháng 2/2024, có 479 dự án trong các khu công nghiệp còn hiệu lực đầu tư gồm 113 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 34.102 tỷ đồng và 366 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 6,4 tỷ USD, trong đó, 403 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 84,1% tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh.

Thời gian tới, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các khu công nghiệp…

Phấn đấu đưa tỉnh hoàn thành mục tiêu thu hút khoảng 8 - 10 dự án DDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 700 - 1.000 tỷ đồng; thu hút khoảng 20 - 25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 350 triệu USD; có thêm khoảng 20 - 25 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, quảng bá các dự án, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tổ chức các hoạt động vận động xúc tiến đầu tư trong nước và ở nước ngoài, chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng thu hút đầu tư; ưu tiên các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thân thiện với môi trường.

Tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn trong nước có uy tín, có năng lực tài chính vào đầu tư tại tỉnh. Triển khai mô hình hợp tác “ba nhà” (nhà quản lý - nhà đầu tư - nhà tư vấn) nhất là trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn về cơ chế, chính sách, pháp lý, nghiệp vụ về kinh doanh, quản lý đầu tư, phát triển thị trường đối với các lĩnh vực đầu tư, tỉnh chủ động tiếp xúc với các đại sứ quán, thương vụ của nước ngoài ở Việt Nam nơi có nhà đầu tư chiến lược đặt trụ sở chính.

Cùng chuyên mục
Thu hút đầu tư là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Vĩnh Phúc