Thu hút nhà đầu tư chứng khoán từ nhiều kênh khác nhau

(BKTO) - Bất chấp những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 và bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới vẫn chìm trong sắc đỏ, TTCK trong nước đã lấy lại đà phục hồi nhờ sự gia tăng kỷ lục của các nhà đầu tư mới. Để thu hút và nâng cao hơn nữa chất lượng nhà đầu tư, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp.




TTCK trong nước đã lấy lại đà phục hồi nhờ sự gia tăng kỷ lục của các nhà đầu tư mới.Ảnh tư liệu

Số lượng tài khoản mở mới 11 tháng cao hơn 88% so với cùng kỳ

Cập nhật mới đây của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong tháng 11/2020, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 41.203 tài khoản, vượt qua đỉnh 40.651 tài khoản của tháng 3/2018 để trở thành tháng có số lượng tài khoản mở mới nhiều nhất lịch sử TTCK Việt Nam. Trong đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới đạt mức kỷ lục 41.080 tài khoản, cao hơn 4.734 tài khoản so với mức tăng của tháng trước đó. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, các nhà đầu tư cá nhân đã mở 329.452 tài khoản, cao hơn 75% so với tổng lượng năm 2019. Số lượng tài khoản nhà đầu tư tổ chức trong nước tiếp tục tăng thêm 123 tài khoản, lên mức 11.083 tài khoản. Trong khi đó, tháng qua, khối ngoại chỉ mở mới 294 tài khoản. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc di chuyển giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn phần nào làm ảnh hưởng đến xu hướng mở tài khoản của khối này.

Tính chung trong tháng 11/2020, toàn thị trường có thêm 41.497 tài khoản chứng khoán được mở mới. Lũy kế 11 tháng của năm, số tài khoản mở mới trên TTCK Việt Nam đạt hơn 330.000 tài khoản, cao hơn gần 88% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chỉ riêng từ tháng 3 tới nay (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát), số lượng tài khoản mở mới đã lên tới 302.000 tài khoản. Như vậy, lũy kế tới hết tháng 11/2020, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,71 triệu tài khoản, tương đương 2,8% dân số.

Giới chuyên gia đánh giá, sự gia tăng kỷ lục của các nhà đầu tư mới hay còn gọi là nhà đầu tư F0 là nhân tố thúc đẩy TTCK Việt Nam hồi phục mạnh từ vùng 650 điểm vào cuối tháng 3 lên đến hơn 1.020 điểm ở hiện tại, tương ứng mức tăng 6,3% so với đầu năm trong bối cảnh khối ngoại không ngừng bán ròng nhiều tháng qua. Không những vậy, thanh khoản thị trường những tháng gần đây liên tục được đẩy lên con số kỷ lục mới với những phiên giao dịch trên 10.000 tỷ đồng thường xuyên diễn ra.

Theo giới phân tích, việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây là bởi các kênh đầu tư ngoài chứng khoán đang trở nên kém hấp dẫn: Lãi suất huy động ngày càng giảm sâu; giá vàng tăng mạnh và đôi khi có chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới; kênh bất động sản thanh khoản suy yếu do dịch Covid-19; kênh trái phiếu DN bị siết lại vì Nghị định số 81/2020/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/9/2020. Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Phạm Hồng Sơn cũng thừa nhận, các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư vàng trở nên kém hấp dẫn trong thời gian qua, dẫn đến dòng tiền nhàn rỗi chọn kênh đầu tư chứng khoán nhiều hơn, làm tăng sức mua trên TTCK.

Thêm nhiều kênh thu hút nhà đầu tư

Tuy nhiên, Ðề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đặt mục tiêu: Quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025; số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Ông Sơn cho rằng, với mức tăng hiện nay, dự báo hết năm 2020, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đạt khoảng 2,72 triệu, chưa đạt mục tiêu như Đề án đặt ra.

Ông Sơn cho biết, thời gian tới, để thu hút và nâng cao chất lượng các nhà đầu tư, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp:
Một là, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền cho công chúng đầu tư nhằm nâng cao nhận thức xã hội về chứng khoán và TTCK.

Hai là, đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, trong đó thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kiểm tra, xử lý kịp thời các DN không tuân thủ quy định về việc niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi đã cổ phần hóa; phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCK phái sinh; triển khai các sản phẩm trái phiếu chính phủ và trái phiếu DN đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa thông qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên TTCK; thực hiện phân bảng cổ phiếu niêm yết, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; tăng cường đào tạo, tuyên truyền về quản trị công ty, chương trình đánh giá xếp loại quản trị công ty.

Ba là, nâng cao tính thanh khoản cho TTCK bằng việc triển khai các loại lệnh mới trên thị trường cổ phiếu, thực hiện hoạt động giao dịch trong ngày phù hợp với điều kiện của thị trường, áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động trong trường hợp thị trường có biến động mạnh, linh hoạt trong việc áp dụng ký quỹ trước giao dịch, tăng thời gian giao dịch áp dụng cho một số giao dịch đặc biệt, từng bước phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ để thực hiện chức năng tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp theo thông lệ quốc tế. Giải pháp này sẽ được triển khai đồng bộ thông qua việc vận hành ổn định hệ thống công nghệ thông tin mới trên TTCK.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Thu hút nhà đầu tư chứng khoán từ nhiều kênh khác nhau