Theo lãnh đạo nhà trường, để được các trường đối tác tín nhiệm và công nhận, thu hút sinh viên quốc tế thì phải nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và Trường Đại học Bách khoa đang kiên định thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao số chương trình đào tạo của Trường đào tạo đạt kiểm định quốc tế.
Đây là thông tin được chia sẻ tại “Hội thảo khoa học về thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế đến học tập và làm việc tại TP. HCM” do Trường Đại học Bách khoa phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố các đơn vị đồng hành tổ chức mới đây.
Hội thảo quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước để cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm giáo dục hấp dẫn đối với sinh viên và giảng viên quốc tế.
TP. HCM là một đô thị trọng điểm, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, cũng là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới. Cùng với việc quy tụ hàng loạt các cơ sở giáo dục hàng đầu cả nước, TP. HCM có nhiều lợi thế để trở thành nơi thu hút sinh viên và giảng viên nước ngoài đến học tập và làm việc lâu dài.
Tuy nhiên, có chiến lược để tận dụng hiệu quả lợi thế này cũng như giải quyết một số rào cản liên quan đến chính sách để tạo điều kiện thông thoáng cho người nước ngoài vẫn còn là vấn đề lớn cần các bên liên quan đề xuất giải pháp ngay trong hội thảo.
Đến năm 2023, Trường đại học Bách khoa đã thu hút 160 sinh viên quốc tế thông qua các hình thức khác nhau như toàn thời gian, trao đổi tín chỉ, trao đổi văn hóa và chương trình được thực hiện theo yêu cầu của đối tác. Tỷ lệ sinh viên quốc tế còn khiêm tốn so với quy mô sinh viên toàn trường (chưa đến 1%) nhưng cao hơn gấp đôi mức trung bình của các trường đại học cả nước.
PGS,TS. Huỳnh Kỳ Phương Hạ - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, Trường Đại học Bách khoa sớm nhận thấy tác động to lớn của quốc tế hóa giáo dục đại học nói chung và đón tiếp sinh viên và học giả quốc tế theo học tại trường nói riêng.
Thông tin cụ thể về vấn đề này, PGS,TS. Lại Quốc Đạt - Trưởng phòng Quan hệ Đối ngoại, trường Đại học Bách khoa cho biết, chiến lược thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế trước hết là nhu cầu nội tại của cơ sở giáo dục đại học.
Tại Trường Đại học Bách khoa, nhà trường xác định để thu hút sinh viên quốc tế, được các trường đối tác tín nhiệm và công nhận thì phải nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Đến nay, trường đang dẫn đầu với 66 chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế.
Xây dựng hệ sinh thái tiếng Anh trong trường cũng là một mục tiêu mà Trường Đại học Bách khoa đẩy mạnh. Thời gian qua, trường tập trung phát triển các chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh (22 ngành) và các chương trình chuyển tiếp với các trường đại học uy tín trên thế giới.
Việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nâng cao các công bố quốc tế vừa là nhiệm vụ tất yếu, cũng vừa là một giải pháp để quảng bá cho hình ảnh nhà trường, tạo ấn tượng tốt với đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, TS. Đạt cho biết Trường Đại học Bách khoa còn tích cực tham gia vào các mạng lưới, dự án quốc tế - một cơ hội rộng mở để tiếp cận các học bổng, chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, đặc biệt là để gia tăng sự hiện diện và tính thương hiệu của trường đối với bạn bè quốc tế.
Song song đó, đại diện nhà trường cũng nhận thấy rõ những thách thức phải đối mặt như xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ, chính sách và cơ sở hạ tầng để tạo môi trường thuận lợi đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy cho sinh viên.
Gợi ý về mặt vĩ mô cho những thách thức này, bà Hoàng Vân Anh - Giám đốc chương trình giáo dục Hội đồng Anh cho rằng cần có các chính sách để Việt Nam có thể trở thành trung tâm giáo dục quốc tế. Cụ thể là tạo môi trường thúc đẩy sự giao lưu sinh viên quốc tế, trong đó có chính sách thu hút sinh viên quốc tế, cấp học bổng, nâng cao chất lượng giảng viên và chương trình đào tạo, sự công nhận bằng cấp,…
Phần cuối hội thảo, các đại biểu tiến hành thảo luận theo nhóm các chủ đề như làm thế nào để tạo môi trường học tập thú vị, cách xây dựng mạng lưới đối tác quốc tế, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ, giải pháp truyền thông quảng bá cho TP. HCM như một trung tâm giáo dục lớn,...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và quốc tế hóa giáo dục đại học, xu hướng dịch chuyển sinh viên là một hệ quả tất yếu. Kỳ vọng rằng những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được tiếp thu và gợi ra những hướng thảo luận mới hơn cho các giải pháp thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế.