Theo kế hoạch về sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị, BHXH Việt Nam sẽ về Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn được tạo điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ có tính độc lập như hiện nay. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục là Chủ tịch hội đồng quản lý BHXH Việt Nam.
Thực tế hiện nay, cơ quan BHXH đang được tổ chức theo ngành dọc 3 cấp từ trung ương đến địa phương. Những năm qua, BHXH cũng đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy qua ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách cho người tham gia.
Với yêu cầu mới của Hội nghị Trung ương 6 về sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị, BHXH Việt Nam vừa dự thảo đề án nội dung trên. Theo đó, ngành nhận định trong giai đoạn hiện nay nhiệm vụ được giao rất nặng nề, khối lượng công việc ngày càng tăng, công tác quản lý, quy trình nghiệp vụ nhiều và phức tạp, liên quan rộng rãi đến người dân, người lao động và người sử dụng lao động, trải rộng khắp từ trung ương đến địa phương.
Tính đến gần cuối năm 2024, số người tham gia BHXH đạt 19,699 triệu người, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, BHXH bắt buộc là 17,529 triệu người, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023; BHXH tự nguyện là 2,17 triệu người, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 15,796 triệu người, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 94,633 triệu người, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023…
Tốc độ tăng thu BHXH, BHYT, BHTN bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2018 là 13,4%. Giám định BHYT đối với trên 180 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT.
“Như vậy, BHXH phục vụ bình quân mỗi người dân có liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN khoảng 2,5 lần trong 1 năm. Đây là tần suất phục vụ có thể nói là rất lớn so với các cơ quan trong hệ thống chính trị…”- BHXH Việt Nam nêu rõ.
Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy ngành BHXH Việt Nam phải đáp ứng mục tiêu cải cách, hiện đại hóa ngành BHXH Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn.
Việc sắp xếp bộ máy phải nâng cao hiệu năng, hiệu quả hoạt động của bộ máy toàn ngành nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHTN, BHYT, từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ BHXH, BHYT hướng tới mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân. Đồng thời, việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy phải trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế về đối tượng, phạm vi tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm hướng tới mục tiêu tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Nguyên tắc là “một cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn…”.
Trên tinh thần đó, ông Mạnh yêu cầu các cấp chủ động rà soát, đề xuất, sắp xếp tổ chức bên trong từng cơ quan, đơn vị, chuẩn bị nhân sự, rà soát hoạt động, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ.
“Để làm được việc này, toàn Ngành cần phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ, chăm lo, đảm bảo chế độ, quyền lợi BHXH, BHYT cho người tham gia và thụ hưởng chính sách. Dù ở bất cứ cương vị nào, vị trí nào thì chúng ta vẫn luôn xác định việc triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội là nhiệm vụ hàng đầu. Đây cũng là điều mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt kỳ vọng rất cao vào ngành ta” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.