Thu ngân sách đạt khá, cân đối ngân sách đảm bảo

(BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, thu từ 3 khu vực kinh tế đạt 61,5% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô bằng 125,6% dự toán; cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo…



                
   

6 tháng đầu năm 2022, thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, bằng 63,6% dự toán, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Ảnh: Internet.

   

Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh đạt khá

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, thu NSNN đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán (thu ngân sách trung ương đạt 66,4% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt xấp xỉ 67% dự toán), tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tổng thu NSNN, thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, bằng 63,6% dự toán, tăng 16,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 56,7% dự toán, tăng 14,8%).

60/63 địa phương có tiến độ dự toán thu nội địa đạt trên 50% dự toán; trong đó, 47 địa phương đạt trên 58% dự toán, 45 địa phương thu cao hơn cùng kỳ, 3 địa phương tiến độ thu dự toán đạt thấp là Cao Bằng đạt 40,6%, Sơn La đạt 44,9%, Lai Châu ước đạt 47,2%.

10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa có tiến độ thu đạt khá so với dự toán (trên 55%), chỉ có 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (48% dự toán) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (40,5% dự toán).

Đáng chú ý, thu từ 3 khu vực kinh tế (chiếm 52% dự toán tổng thu nội địa) đạt 61,5% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ, cao nhất là thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 67,4% dự toán; thu từ khu vực DNNN và thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài cùng đạt 57,3% dự toán.

Ngoài số thu nội địa, thu từ dầu thô đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 125,6% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 157,9 nghìn tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán.

Chi đầu tư phát triển đạt 28,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 45,8%

Về chi NSNN, 6 tháng ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 28,6% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,1% dự toán, chi thường xuyên đạt 45,8% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm chậm. Mặc dù số vốn giải ngân tăng 12,3% so với cùng kỳ nhưng mới đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 29,02%), trong đó, giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 8,61% kế hoạch.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm (đến ngày 30/6/2022), 69 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ được phát hành với kỳ hạn bình quân 14,75 năm, lãi suất bình quân 2,45%/năm.

Đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng

Trong nửa đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022.

Bên cạnh đó, trước thực trạng giá xăng dầu tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát và hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (theo trình tự, thủ tục rút gọn), áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (Nghị quyết 18).

6 tháng đầu năm, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí đã được miễn, giảm, gia hạn khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn (135 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách; số tiền miễn, giảm khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách.

Tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng./.
         
Sáng 06/7, tại Phiên họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với 100% thành viên biểu quyết tán thành.
   Theo đó, UBTVQH nhất trí giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ, cụ thể: Xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít. Thời hạn áp dụng Nghị quyết từ ngày 11/7 đến hết ngày 31/12/2022./.
THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Thu ngân sách đạt khá, cân đối ngân sách đảm bảo