Tiếp tục Phiên họp thứ 38, sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (một luật sửa 4 luật).
Đơn giản hoá thủ tục đầu tư đặc biệt
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Luật này tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có mâu thuẫn, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, Dự thảo Luật sửa đổi Điều 31, 32 Luật Đầu tư để phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với: dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt; dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới nhằm tạo chủ động cho các địa phương.
Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Đầu tư để quy định về thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn thu hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 47 và Điều 48 để quy định về chấm dứt hoạt động đối với các dự án đầu tư không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai, giải phóng nguồn lực - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Đặc biệt, Dự thảo Luật bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip, và lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.
Đồng thời, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thủ tục hành chính liên quan. Trong đó, nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 03 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy (dự kiến có thể giảm thiểu số thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến 260 ngày).
Cân nhắc áp dụng đối với dự án lớn, có tính lan tỏa
Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, liên quan đến nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, các cơ chế quản lý tài chính, cơ chế hoạt động đề xuất cho Quỹ Hỗ trợ đầu tư đều là các cơ chế đặc thù, chưa từng có tiền lệ, khác với các quy định hiện hành, cần được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, có báo cáo đánh giá tác động, rủi ro trước khi đề xuất thực hiện.
Đồng thời, để thống nhất với nội dung Quốc hội đã quyết nghị tại Khoản 5 Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023, đề nghị chỉ quy định trong Luật về mặt nguyên tắc cơ bản theo hướng giao Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Chính phủ quy định về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, quản lý, sử dụng vốn NSNN đối với hoạt động của Quỹ…
Về thủ tục đầu tư đặc biệt, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ giới hạn quy định cho đối tượng là một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
“Việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Quốc hội đã có Nghị quyết nên trong Luật chỉ nên quy định ngắn gọn, mang tính nguyên tắc và Chính phủ quy định chi tiết trong nghị định.
Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần tiếp tục rà soát để tháo gỡ những gì thực sự đang vướng, bức xúc. Đồng thời, mở ra những thứ mới hơn, tốt hơn, nhanh hơn cho người dân, doanh nghiệp còn đừng "mở ra cái quản lý nhà nước chặt hơn mà khó hơn cho người dân, doanh nghiệp".
Bày tỏ rất nhất trí về việc thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Đặc biệt là phải nhanh, đặc biệt không có nghĩa là rút gọn thủ tục mà là một thủ tục đầu tư được thiết kế đặc biệt, đặc biệt về mặt hồ sơ, về quy trình, thủ tục. “Chỉ cần làm một bộ hồ sơ thôi, trình tự thủ tục đến một cơ quan thôi nó mới là đặc biệt. Còn cứ với thủ tục như hiện nay thì chưa phải là đặc biệt vừa chưa thể nhanh được” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Chỉ cần làm một bộ hồ sơ cho tất cả các thủ tục cháy nổ, môi trường… chứ cứ hồ sơ đầu tư một kiểu, hồ sơ môi trường một kiểu, hồ sơ phòng cháy, chữa cháy một kiểu. Mỗi một lần đến một cơ quan lại làm một bộ hồ sơ thì kéo dài đến 2-3 năm là phải”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc quy định về chế độ ưu đãi ở ngay các luật chuyên ngành hay quy định trong Luật Đầu tư, nhằm rõ nội dung chính sách và tổ chức thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương đối với các lĩnh vực có ưu đãi, ưu đãi đặc biệt./.