Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp 'Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020'

(BKTO) - 124 doanh nghiệp được lựa chọn, thẩm định kỹ lưỡng từ hơn 1.000 doanh nghiệp quan tâm tham gia, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, là những đại diện tiêu biểu cho thương hiệu quốc gia Việt Nam.




Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 25/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu "Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020."

Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm nay, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471.000 lao động.

Các hoạt động từ thiện tại các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9,5 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trải qua 9 tháng triển khai, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên Hội đồng thương hiệu quốc gia Việt Nam, 124 doanh nghiệp được lựa chọn, thẩm định kỹ lưỡng từ hơn 1.000 doanh nghiệp quan tâm tham gia, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, là những đại diện tiêu biểu cho thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các thời kỳ. Từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008, lên 97 doanh nghiệp năm 2018, đến năm nay, số lượng đã tăng hơn 4 lần, lên tới 124 doanh nghiệp và cũng là năm có số lượng tham gia đông đảo nhất sau hơn 17 năm phát triển.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, 2020 là năm “thử lửa” đối với trí tuệ, bản lĩnh, ý chí của chúng ta,” kể cả với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, quyết tâm của nhân dân và giới doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước ta, chúng ta vẫn giữ được ổn định xã hội, tăng trưởng dương (khoảng 2,5-3% trong năm nay).

Thủ tướng cho rằng, một trong những đóng góp quan trọng của ngành Công Thương, trong đó có các doanh nghiệp có mặt hôm nay, là lần đầu tiên đạt thặng dư thương mại (xuất siêu) 20 tỷ USD, qua đó tạo niềm tin cho các nhà kinh doanh.

Thủ tướng đánh giá kết quả phát triển như vậy có sự đóng góp của các doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu quốc gia; trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp Nhà nước chiếm khoảng 12%, điều đó nói lên vai trò của các thành phần kinh tế, đặc biệt là vai trò của kinh tế tư nhân.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã thu hút sự quan tâm, đồng hành, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự lan tỏa mạnh trong thời gian qua.

Thủ tướng đánh giá cao các tiêu chí của chương trình là chất lượng, đổi mới sáng tạo, tiên phong, truyền động lực và uy tín xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia lần thứ 7 năm 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của người đứng đầu các doanh nghiệp, của công nhân viên, lực lượng lao động, “không khoanh tay, lùi bước trước khó khăn, nỗ lực hành động để phục hồi và phát triển, giữ vững vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.”

Thương hiệu quốc gia Việt Nam thời gian qua đã lọt vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh. Theo đánh giá của Tổ chức Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia), trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD và xếp hạng thứ 42.

Cùng với thương hiệu quốc gia, giá trị các thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam có sự gia tăng mạnh mẽ. Năm 2019, theo xếp hạng của Forbes, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu của Việt Nam đạt gần 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn các tồn tại, bất cập, trước hết là vấn đề hiệu quả, “làm thô còn nhiều, chế biến sâu còn ít,” quy mô còn nhỏ... Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương, các doanh nghiệp phải có bước đi, cách làm hiệu quả hơn nữa, sản lượng lớn hơn, chất lượng tốt hơn, giá trị thu về cho đất nước nhiều hơn nữa.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải góp phần vào xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành, thương hiệu địa phương, tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu quốc gia là tấm gương tốt để các doanh nghiệp khác học tập, Thủ tướng đề nghị Hội đồng Thương hiệu quốc gia và Bộ Công Thương sớm nghiên cứu, đề xuất các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục có quyết sách mới, cơ chế thuận lợi tốt hơn nữa, kiểm tra, đôn đốc tốt hơn nữa để giải phóng sức sản xuất; tiếp tục quan tâm đến mọi loại hình doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên để có thể sớm gia nhập đội ngũ các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp 'Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020'