Đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước
Báo cáo của Bộ Công thương tại Hội nghị cho biết, trong mức tăng trưởng 7,08% của toàn nền kinh tế năm 2018, khu vực công nghiệp tăng 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Quang cảnh Hội nghị |
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng: Quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 480 tỷ USD. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Xuất khẩu tăng mạnh với tổng kim ngạch 244,7 tỷ USD, tăng 13,8%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7- 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8- 10%).
Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam năm 2018 đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Thương mại trong nước cũng nỗ lực vượt qua khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt khoảng 4.395,7 nghìn tỷ đồng tăng 11,7% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra năm 2018 là tăng 10- 10,5% so với năm 2017. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm nay ước tính đạt 3.306,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,21% tổng mức và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang quản lý 432 thủ tục hành chính, gồm 291 thủ tục thực hiện ở T.Ư, 141 thủ tục thực hiện ở địa phương. Tất cả 291 thủ tục thực hiện ở cấp T.Ư đã được ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó, có 151 dịch vụ ở mức độ 3 và mức độ 4 đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, kết nối 11 dịch vụ với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ đã hoàn thành bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu 2019
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2019 tăng 6,8%, ngành Công Thương quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9- 10%. Xuất khẩu năm 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8- 10% so với năm 2018; nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,5 - 12%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Công thương cũng đã xác định rõ 13 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện, trong đó có giải pháp tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của ngành Công thương năm 2019; triển khai tích cực Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau nhiều năm đổi mới ngành Công Thương Việt Nam đã liên tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Bên cạnh kết quả tích cực, theo Thủ tướng, cần nhìn nhận thẳng thắn các khuyến điểm, tồn tại như tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh nhiều chiến lược, quy hoạch của ngành. Một số quy hoạch được triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn gây lúng túng trong công tác quản lý, như quy hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tải tạo, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia...
Thủ tướng cũng đánh giá, ngành công nghiệp nước ta vẫn chưa phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nội lực còn yếu, trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp.
Vì vậy, Bộ Công thương phải nhìn rõ cơ hội, thách thức, làm đầu tàu cho sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước để cả nước chúng ta lên “chuyến tàu” Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã giao cho ngành Công Thương 10 nhiệm vụ cụ thể liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ; giải quyết vấn đề thể chế, đổi mới phương thức quản lý; việc lập và công bố các quy hoạch; tập trung phát triển công nghiệp quốc gia; đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; tiếp tục xử lý các Dự án tồn tại, yếu kém; triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển thương mại trong nước; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí…
QUỲNH ANH