Thừa Thiên Huế: Dự án không giải ngân đúng kế hoạch sẽ bị tạm dừng và điều chuyển vốn cho dự án khác

(BKTO) - Năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 5.923 tỷ đồng. Trong tháng 01/2023, Tỉnh đã giao bổ sung 705,703 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách tỉnh năm 2021 và năm 2022, nâng tổng nguồn lực đầu tư công năm 2023 của Tỉnh lên gần 6.629 tỷ đồng.

2.png
Hoàn thiện công việc trước khi thông xe tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn kết nối tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ảnh: TTXVN

Căn cứ tỷ lệ vốn được giao, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện chủ trương ưu tiên phân bổ sớm nguồn vốn cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư, được chuẩn bị kỹ để sẵn sàng triển khai thi công. Cụ thể: Giao kế hoạch vốn cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 367,041 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA 683,95 tỷ đồng đã giao toàn bộ kế hoạch vốn cho các dự án chuyển tiếp.

1.654 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương đã bố trí cho 18 dự án, gồm: 3 dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2023; 7 dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2023 và 8 dự án khởi công mới trong năm 2023.

Kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2023 đã giao hơn 2.803 tỷ đồng cho các dự án, phần còn lại là 250 tỷ đồng chưa giao thuộc nguồn bội chi ngân sách địa phương, dự kiến sẽ giao cho Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế sau khi Dự án được ký hợp đồng vay lại với Bộ Tài chính.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã có Chỉ thị về đầu tư công năm 2023, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023.

Cùng với đó, tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của Tỉnh.

Kèm theo kế hoạch giải ngân, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án ngay từ đầu năm; giám sát theo từng tháng. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách từng dự án. 

Đồng thời, Tỉnh cũng xác định rõ các mốc thời gian quy định là căn cứ cụ thể để các chủ đầu tư thực hiện đúng lộ trình đặt ra cho từng dự án. Cụ thể, với các dự án và gói thầu chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, Tỉnh yêu cầu đến ngày 30/6/2023 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2023, đến ngày 15/12/2023 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.

Đối với các dự án và gói thầu khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, phải có số liệu giải ngân cho công tác xây lắp khi đến ngày 30/6/2023 và đến ngày 30/9/2023 phải giải ngân trên 70% kế hoạch vốn năm 2023, đến 31/12/2023 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.

Các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 (cả chuyển tiếp và khởi công mới) đến ngày 30/6/2023 chưa giải ngân cho công tác xây lắp theo quy định sẽ xem xét dừng giải ngân và điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh về việc chuyển vốn cho các dự án khác.

Với các dự án hoàn ứng, các dự án đã quyết toán và các dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2022 được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, chủ đầu tư hoàn tất thủ tục hoàn ứng và thanh toán trước ngày 31/3/2023.

Sau thời điểm trên, UBND Tỉnh dừng giải ngân và điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh về việc kéo dài thủ tục hoàn ứng và thanh toán, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân chung của Tỉnh.

Cùng chuyên mục
Thừa Thiên Huế: Dự án không giải ngân đúng kế hoạch sẽ bị tạm dừng và điều chuyển vốn cho dự án khác