Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng giữa OECD và Việt Nam

(BKTO) - Sáng 6/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp ông Jeffrey Schlagenhauf, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhân dịp ông sang Việt Nam tham dự Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.




Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp ông Jeffrey Schlagenhauf,Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh OECD phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Sáng kiến chống tham nhũng đã lựa chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương; cảm ơn OECD hỗ trợ Việt Nam rà soát nhiều chính sách phát triển, trong đó có hoàn thành rà soát chính sách đầu tư trong năm 2017, 2018... Trong năm APEC 2017, OECD đã tích cực hưởng ứng và phối hợp với Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ Năm APEC 2017, đóng góp tích cực vào thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam và OECD đang đi vào giai đoạn hợp tác thực chất và hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, tháng 3/2008, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Trung tâm Phát triển OECD; Việt Nam cũng là thành viên của Nhóm công tác về Hiệu quả viện trợ. Tháng 6/2016, Việt Nam phối hợp với OECD đồng tổ chức Diễn đàn OECD về khu vực Đông Nam Á năm 2016 tại Hà Nội với chủ đề "Nâng cao năng suất gắn liền với phát triển bao trùm ở Đông Nam Á".

Từ năm 2018, Việt Nam tham gia Văn phòng Hỗ trợ đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD và là đồng Chủ tịch Nhóm tham vấn xây dựng Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á của OECD. Tháng 2/2019, Việt Nam và OECD đã khởi động quá trình xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR), góp phần phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch hành động quốc gia này. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan phối hợp với các bộ phận của OECD để tiếp tục thảo luận về Chương trình, nhằm hỗ trợ cho Việt Nam trong thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia.

Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị OECD tiếp tục thảo luận với Thanh tra Chính phủ Việt Nam để xây dựng nội dung hỗ trợ phù hợp, tập trung vào tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và xây dựng năng lực thực thi pháp luật, đặc biệt là phòng chống tham nhũng, hối lộ trong hoạt động kinh doanh và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vì đây là 2 nội dung quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 mới có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019.
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho biết, thời gian tới, kế thừa kết quả đã đạt được, Chính phủ Việt Nam sẽ giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham gia tích cực, đặc biệt là thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng; tăng cường hợp tác phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực quan trọng giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Sáng kiến; đóng góp chủ động, có hiệu quả và thiết thực vào các nỗ lực, hoạt động hợp tác chung trong khuôn khổ của Sáng kiến.

Phó Tổng Thư ký OECD Jeffrey Schlagenhauf đánh giá cao Việt Nam có cam kết mạnh trong lĩnh vực thực hiện chính sách liêm chính, chống tham nhũng và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đây là công cụ rất tốt để Việt Nam nâng cao năng lực quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông cũng đánh giá cao Việt Nam đã sử dụng các phương pháp, hướng dẫn, khuyến nghị của OECD trong thực tiễn và mang lại hiệu quả tích cực trong lĩnh vực này. OECD cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch ASEAN, hiện OECD đang phối hợp với các Chính phủ thành viên khác bàn biện pháp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa OECD với Việt Nam.

Phó Tổng thư ký OECD mong muốn Việt Nam phát huy tốt vai trò tham vấn xây dựng Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á của OECD; sớm công bố Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều, góp phần phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.

TheoLê Sơn
baochinhphu.vn
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng giữa OECD và Việt Nam