Thưa ông! Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam mới đây, ADB có nhận định rằng việc triển khai các dự án ĐTC vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý dù cam kết chính trị giúp giải ngân ĐTC được cải thiện đáng kể. Ông có thể phân tích sâu hơn hạn chế này?
Trước hết, phải khẳng định rằng, nỗ lực cũng như cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ đã được thể hiện ở kết quả giải ngân ĐTC trong quý III/2023 với những chuyển biến tích cực. Đấy là điều đáng ghi nhận.
Những năm gần đây, khuôn khổ pháp luật về ĐTC ngày càng được cập nhật, hoàn thiện. Thế nhưng, thực tiễn triển khai các dự án ĐTC cho thấy, quy trình, thủ tục liên quan đến quản lý hợp đồng, dự toán chi phí vẫn chưa sát với thực tế; quá trình triển khai thường phát sinh kinh phí bổ sung.
Một vấn đề nữa là định mức về chi phí theo Luật ĐTC hiện nay vẫn tương đối cứng nhắc, trong khi đó, diễn biến thị trường, giá nguyên vật liệu lại biến động. Thực tế, có những dự án được phê duyệt nhưng nhà thầu lại thiếu nguyên vật liệu để thi công hoặc giá nguyên vật liệu tăng lên dẫn đến tình trạng thi công không đúng khối lượng. Đấy là những vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân ĐTC.
Việc giám sát các chương trình, dự án ĐTC chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với một khuôn khổ pháp luật phù hợp.
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB
Để thúc đẩy ĐTC hiệu quả hơn, chúng ta cần cải thiện quy định về tài chính và đầu tư công theo hướng tạo thuận lợi cho việc thực hiện phù hợp với thực tiễn thị trường. Theo đó, các quy định pháp luật cũng không nên quá cứng nhắc dẫn đến trở thành rào cản trong việc triển khai các dự án ĐTC mà cần có sự linh hoạt nhất định. Quy định như vậy là để trong quá trình thực hiện dự án, chúng ta có thể ứng phó được những biến động khách quan của thị trường, tạo điều kiện cho hoạt động ĐTC được cải thiện, thuận lợi hơn.
Bên cạnh vấn đề pháp lý, theo ông, việc triển khai các dự án ĐTC của Việt Nam còn có những vướng mắc nào?
Chúng ta cần nhìn tổng thể về hoạt động ĐTC, tức là phải tính đến hiệu quả thực hiện cả trong các bước đấu thầu và giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và thanh toán. Khi nói đến hiệu suất thi công, cần tính đến yếu tố giá nguyên vật liệu, tính linh hoạt trong quản lý hợp đồng đối với nhà thầu, làm sao để các hoạt động được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng. Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng hay hợp đồng với nhà thầu sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai các dự án ĐTC. Ngân sách được phân bổ nhưng nếu tiến độ thực hiện dự án chưa đúng kế hoạch thì việc giải ngân cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đối với phát triển hạ tầng, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nâng cấp đáng kể hệ thống hạ tầng kinh tế. Cùng với kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tương đối thuận lợi, nhu cầu về phát triển hạ tầng ngày càng tăng nhưng tốc độ cũng chưa nhanh như kỳ vọng, đặc biệt là tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm chậm vẫn chậm. Khi hạ tầng phát triển chậm, không theo kịp nhu cầu của nền kinh tế tương lai thì hệ thống hạ tầng đó sẽ quá tải, tạo ra những khó khăn, dẫn đến chuyện tăng chi phí, thời gian, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ngoài câu chuyện giải ngân, một vấn đề trăn trở của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương nhiều năm qua là làm sao để nâng cao tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong ĐTC, thưa ông?
Trước hết, phải khẳng định rằng, muốn hoạt động ĐTC được thực hiện có hiệu quả và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật thì yêu cầu rõ ràng, minh bạch là cần thiết. Để làm được điều này, năng lực thực hiện của các đơn vị phải nâng cao hơn. Yếu tố thứ hai như tôi đã nói ở trên là các quy định pháp luật cần đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình triển khai. Bởi đôi khi, quy định cứng nhắc quá sẽ dẫn đến khó thực thi trong thực tế. Như vậy, bài toán đặt ra là, một mặt, kiện toàn hơn hệ thống pháp luật để làm sao bám sát với thị trường, không quá cứng nhắc nhưng đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn của đơn vị thực hiện và cơ quan, đơn vị giám sát. Nếu kết hợp được các yếu tố đó thì các dự án ĐTC sẽ được triển khai hiệu quả hơn, đáp ứng được các tiêu chí công khai, minh bạch.
Ông vừa nhắc đến hoạt động giám sát. Vậy theo ông, việc giám sát các chương trình, dự án ĐTC nên tập trung vào những vấn đề nào?
Có thể nói, giám sát các hoạt động ĐTC là thông lệ và trong triển khai các dự án, bao giờ cũng có đơn vị giám sát độc lập để đảm bảo công trình xây dựng đáp ứng được yêu cầu đặt ra của dự án, ví dụ, các yêu cầu về chiều rộng, chiều dài, các điều kiện để đảm bảo tốc độ chạy xe, độ an toàn đối với dự án giao thông…
Ngoài ra, việc định kỳ kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước cũng là để đánh giá xem dự án có sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách và góp phần phát triển kinh tế - xã hội hay không. Tuy nhiên, việc giám sát chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với một khuôn khổ pháp luật phù hợp, nếu các quy định pháp luật quá cứng nhắc thì điều này sẽ gây khó khăn cho các đơn vị, bộ phận liên quan trong quá trình triển khai dự án. Do vậy, để “cởi trói” cho họ, các vướng mắc cần được tháo gỡ ở góc độ pháp luật, thể chế, chỉ khi đó, chúng ta mới nói đến chuyện thực hiện tốt và giám sát tốt được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Qua thực tiễn kiểm toán, KTNN đề xuất sửa đổi các luật có liên quan đến thực hiện dự án ĐTC nhằm giải quyết các vướng mắc về đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đơn giản hóa và phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. KTNN cũng đề xuất xây dựng quy định cụ thể về giải ngân ĐTC gắn với trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trong lập kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư.