
Tập trung xây dựng các công cụ tài chính, kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp
Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ hiện hành là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó việc sửa đổi, bổ sung Luật sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, về cơ bản, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kế thừa hầu hết các quy định về quản lý năng lượng hiện tại của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010, trong đó gồm các nội dung được quy định tại 12 Chương và 48 Điều, trong đó có 30 Điều được giữ nguyên.
Lần sửa đổi này tập trung vào việc xây dựng các công cụ tài chính, kỹ thuật tăng cường trong hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, tuân thủ các yêu cầu mới của thị trường quốc tế.
Trong đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, theo Dự thảo Luật, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hoá, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Chính phủ quy định nguồn vốn của Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Quy định cụ thể về cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban thống nhất quan điểm, mục tiêu, phạm vi sửa đổi Dự thảo Luật.

Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo Dự án Luật tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh; kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các Luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Cùng với đó, rà soát các quy định về đối tượng dán nhãn năng lượng, kế hoạch kiểm tra việc tuân thủ quy định quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, cơ chế tài chính thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để bảo đảm tính khả thi;
Đánh giá, rà soát toàn diện các quy định, hướng dẫn, khuyến nghị trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đặc biệt là các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) để đảm bảo tính tương thích.
Về các quy định liên quan đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, các quy định này cơ bản phù hợp; đồng thời đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế cập nhật danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; bổ sung quy định trách nhiệm xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ sử dụng năng lượng của cơ sở sản xuất; nghiên cứu ban hành bộ chỉ số kỹ thuật theo ngành nghề và tích hợp với chỉ số cường độ năng lượng vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia; làm rõ cơ sở quy định các biện pháp quản lý đối với cơ sở kinh doanh kiểm toán năng lượng, việc đáp ứng yêu cầu về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Về quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Lê Quang Huy cho biết, có 2 quan điểm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc thành lập Quỹ cần tiếp tục nghiên cứu và phải được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng; nghiên cứu sử dụng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Luật Ngân sách nhà nước, Bộ luật Dân sự đã có quy định về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quỹ xã hội; không nên quy định về Quỹ này trong Dự thảo Luật.
Quan điểm thứ hai tán thành với đề xuất của Chính phủ nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW; góp phần thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Theo ông Lê Quang Huy, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản thống nhất với quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể và phù hợp hơn, nhất là quy định về thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ.