Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà tới Việt Nam và cũng là lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Bờ Biển Ngà thăm Việt Nam sau 48 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cùng với Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Bờ Biển Ngà thăm Việt Nam lần này còn có 2 Phó Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, cho thấy sự coi trọng của lãnh đạo Bờ Biển Ngà trong quan hệ với Việt Nam, thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác trên kênh Quốc hội giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, giao thông vận tải, trồng lúa gạo, chế biến nông sản, giáo dục, y tế, thể thao…
Ngay sau Lễ đón chính thức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Cộng hoà Bờ Biển Ngà đã thăm Phòng Truyền thống Quốc hội và ký Sổ vàng lưu niệm. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiến hành hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Cộng hoà Bờ Biển Ngà Adama Bictogo.
Sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Quốc hội.
Theo Biên bản vừa được ký, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bờ Biển Ngà nhấn mạnh vai trò quan trọng của Quốc hội trong sự phát triển của đất nước cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ nghị viện trong sự phát triển các mối quan hệ giữa hai Nhà nước.
Hai bên nhận thấy, hợp tác liên nghị viện góp phần thúc đẩy nền dân chủ nghị viện và thiết lập nền tảng cho nhà nước pháp quyền; đánh giá cao quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên; tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hòa bình và hữu nghị giữa hai nước, hai bên có thể thúc đẩy hợp tác hơn nữa thông qua việc tăng cường trao đổi thông tin và sự hiểu biết lẫn nhau.
Quốc hội hai nước cam kết thúc đẩy hợp tác nghị viện nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ pháp luật của mỗi nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên.
Hai bên thống nhất tăng cường giao lưu nghị viện, trao đổi đoàn cấp lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội và/hoặc Văn phòng Quốc hội nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề hai bên quan tâm; triển khai cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về hoạt động lập pháp và các hoạt động nghị viện khác phù hợp với quy định của mỗi bên; tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền về đất nước, con người và các hoạt động của Quốc hội hai nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai bên cũng thống nhất tăng cường phối hợp lập trường trong các vấn đề cùng quan tâm tại các diễn đàn nghị viện đa phương mà hai bên là thành viên, đặc biệt là diễn đàn Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF); làm cầu nối để Quốc hội hai nước mở rộng, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với cơ quan lập pháp của các nước tại khu vực châu Á và châu Phi; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị thường xuyên và thực chất giữa các đại biểu Quốc hội hai nước.