Những bản thỏa thuận mở ra cơ hội mới
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các hoạt động hợp tác quốc tế về GDNN đã được Chính phủ, Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nối lại bằng một loạt bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác.
Ngày 05/4/2022, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã ký kết Bản ghi hợp về hợp tác trong lĩnh vực GDNN bao gồm các nội dung: Chia sẻ kiến thức chuyên môn về GDNN, hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chính sách GDNN bền vững, chia sẻ kinh nghiệm về cải thiện chất lượng GDNN, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp nhằm đảm bảo cung - cầu lao động...
Bản ghi nhớ có ý nghĩa thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực GDNN, góp phần tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới.
Giữa tháng 10/2022, Việt Nam cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực GDNN với Singapore. Theo thỏa thuận, hai bên thúc đẩy hợp tác, nâng cao năng lực lãnh đạo trong lĩnh vực GDNN, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng 3 trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao theo mô hình của ITE Singapore và phát triển năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ đào tạo.
Theo Tổng cục GDNN, thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và quốc gia đối tác có hệ thống đào tạo và phát triển kỹ năng nghề tiên tiến như: Hợp tác với Nhật Bản về triển khai xây dựng các bộ công cụ đánh giá và tổ chức đánh giá thí điểm một số nghề thuộc lĩnh vực cơ khí, điện và công nghệ thông tin; hợp tác với Hàn Quốc về xây dựng hệ thống thông tin quản lý trình độ kỹ năng nghề quốc gia; hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế thí điểm mô hình Hội đồng kỹ năng nghề lĩnh vực nông nghiệp; hợp tác với Chính phủ Australia triển khai Hội đồng kỹ năng ngành logistics
Cuối tháng 10/2022, đại diện hai nước Việt Nam - Phần Lan đã trao đổi nội dung liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực GDNN và đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan.
Bên cạnh đó, hai nước sẽ quan tâm đến đầu tư nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh và sử dụng công nghệ, sản xuất sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Đây là cơ hội để lao động Việt Nam có thể học tập và làm việc ở Phần Lan, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe.
Ngày 29/11/2022, Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.
Thỏa thuận nhằm cam kết cùng hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng nghề, thúc đẩy liên kết đào tạo nghề, bồi dưỡng tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ công tác trong lĩnh vực lao động, phúc lợi xã hội và GDNN.
Có thể thấy, nội dung các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác trên phù hợp với Chiến lược phát triển GDNN Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; hỗ trợ tích cực cho Tổng cục GDNN trong việc triển khai Chiến lược này.
Hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo
Các chuyên gia về GDNN cho rằng, hoạt động đào tạo GDNN đang đứng trước một loạt các thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là Cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, việc Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo GDNN, góp phần nắm bắt cơ hội, nâng cao năng suất lao động và bắt kịp xu hướng thay đổi, phát triển của thế giới.
Theo ông Chékou Oussouman - Trưởng đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ OIF tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến 80% công việc của năm 2030 không còn tồn tại nữa. Đồng thời, 80 triệu việc làm mới sẽ tạo ra trong các ngành kinh tế xanh.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi đào tạo thanh niên có khả năng tham gia thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Chékou Oussouman cho rằng, nhu cầu đổi mới nâng cao hoạt động đào tạo nghề trong lĩnh vực kinh tế xanh là rất lớn. Vì vậy, các quốc gia cần hợp tác với nhau để nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, việc đổi mới phương thức đào tạo có ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần đưa hệ thống GDNN tiếp cận với tri thức, kỹ năng, mô hình quản lý giáo dục mới. Để làm được điều này, ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN - cho rằng, hệ thống GDNN Việt Nam cũng cần tranh thủ nguồn lực bên ngoài để theo kịp xu hướng mới của nền giáo dục thế giới.
“Sự hợp tác với tổ chức giáo dục quốc tế, nâng cao năng lực của hệ thống GDNN Việt Nam, trong đó có hợp tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho nhà giáo trong hệ thống GDNN đóng vai trò quyết định đối với việc nâng cao chất lượng GDNN" - ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã đưa ra nhóm nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học về phát triển kỹ năng lao động Việt Nam và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Trong đó, ưu tiên hợp tác với các nước ASEAN-4, các nền kinh tế thuộc nhóm G20, các quốc gia, vùng lãnh thổ có hợp tác tốt về lao động với Việt Nam, các nước được Chính phủ ưu tiên thu hút đầu tư, có tiêu chí và cơ sở đánh giá các chỉ số đo lường về chuẩn hóa và phát triển kỹ năng lao động.
Về định hướng hợp tác quốc tế thời gian tới, ông Trương Anh Dũng cho biết, Tổng cục GDNN đã và đang hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển GDNN.
Đồng thời, mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực GDNN; tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về GDNN và các cuộc thi kỹ năng nghề./.