Nhiều chính sách thu đã lạc hậu, bất cập

(BKTO) - Nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập, nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh; ngân sách trung ương chưa đảm bảo vai trò chủ đạo; nhiều công cụ tài khóa vĩ mô không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay… - ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá.

Sáng 02/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về các nội dung liên quan ngân sách, đầu tư công.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Văn Lâm nhận xét, nửa nhiệm kỳ đã qua, đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều sóng gió, thách thức và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Góp phần làm nên những kết quả đó, có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa.

021120230811-tran-van-lam.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu, điều hành chính sách tài khoá thời gian qua vừa góp phần quan trọng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển đất nước cả trước mắt và lâu dài.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở, trước một số bất cập trong công tác quản lý, điều hành tài chính, ngân sách. Trong đó, về thu ngân sách, thực tế cho thấy nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét điều chỉnh.

Ví dụ, chính sách thuế Thu nhập cá nhân hiện hành với quy định về thời điểm thu nhập chịu thuế, việc phân chia bậc lũy tiến, mức chiết trừ gia cảnh… không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát; có nội dung đã lạc hậu cả chục năm. Đây là những bất cập lớn.

Hay chính sách thuế Giá trị gia tăng (VAT) được coi là sắc thuế tiên tiến, hiện đại, song cũng có không ít vấn đề. Mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn. Năm 2020 thu thuế 390 nghìn tỷ đồng, hoàn thuế 150 nghìn tỷ đồng (bằng 38%); năm 2023 ước thu thuế 365 nghìn tỷ đồng, hoàn thuế 160 nghìn tỷ đồng (bằng 44%); năm 2024 dự toán thu 390 nghìn tỷ đồng, hoàn 171 nghìn tỷ đồng (bằng 43%).


Điều đáng nói là quy trình hành thu thuế VAT phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian, thu rồi khấu trừ, thu rồi lại phải hoàn; chi phí cho thu rồi chi phí cho hoàn nên kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu . Quá trình này cũng còn làm gia tăng nguy cơ rủi ro, sai phạm, gian lận thất thu ngân sách. Đây là vấn đề cần được xem xét, giải quyết căn cơ.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm

Đại biểu Lâm cũng nêu rõ, việc đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương là yêu cầu của Luật Ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế thời gian qua, vai trò này liên tục giảm, thể hiện qua tỷ lệ số thu ngân sách trung ương được hưởng liên tục suy giảm, đến nay chưa có giải pháp khắc phục. Hiện tại, nhiều khoản chi thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương nhưng phải trông chờ vào sự đóng góp của ngân sách địa phương.

Vấn đề tiếp theo được đại biểu Trần Văn Lâm đề cập là bội chi NSNN. Theo Báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN tính trên GDP luôn được duy trì trong giới hạn an toàn. Thực tế, bội chi thực hiện luôn thấp hơn dự toán. 

Kết quả này có yếu tố tích cực về tăng hệ số an toàn cho nợ quốc gia, song ở khía cạnh khác, khi vốn đầu không thể giải ngân nên không thực hiện vay, nhất là đối với nguồn ODA, làm giảm bội chi thì đây lại là yếu tố không tích cực; vì không hoàn thành kế hoạch đầu tư sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của cả hiện tại và giai đoạn sau. Do đó, Chính phủ cần lưu ý vấn đề này để quyết liệt điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế, tài chính bảo đảm hiệu quả trong thời gian tới.

Liên quan đến việc sử dụng các công cụ tài khóa vĩ mô, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội đã sử dụng linh hoạt, đồng bộ, khá hiệu quả các công cụ, phù hợp với tình hình tại từng thời điểm. Tuy nhiên, nhiều biện pháp đặt ra còn mang tính tình thế ứng phó, trong đó chứa đựng không ít mâu thuẫn, chưa phải là những biện pháp thực sự căn cơ, bền vững.

Mặt khác, các chính sách đề ra để ứng phó bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp, khi thế giới và trong nước xáo trộn nhiều bề. Đến nay, dịch bệnh đã qua, tình hình trở lại quỹ đạo bình thường thì cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.
“Cơ thể khi có bệnh thì cần dùng thuốc, nhưng nếu thuốc bổ mà dùng quá nhiều có khi còn sinh bệnh khác chứ chưa nói đến thuốc bệnh dùng phải có liều” - đại biểu nói.

Đại biểu lấy ví dụ, việc giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, nhiên liệu bay là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh gay gắt. Nhưng việc kéo dài chính sách này đến nay và có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục kéo dài hơn nữa, liệu có hợp lý?

“Việc bất đắc dĩ dùng công cụ môi trường để ổn định kinh tế khi dịch bệnh phức tạp, còn chấp nhận được. Nay tình thế mới, nếu tiếp tục kéo dài thì có phải đánh đổi môi trường cho mục tiêu tăng trưởng? Trong khi chúng ta đang hô hào chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện các mục tiêu COP26…” - đại biểu đặt vấn đề.

Hay như việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước để hỗ trợ ngành sản xuất ô tô nếu tiếp tục liệu có phù hợp? Đây vẫn là mặt hàng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, chưa khuyến khích tiêu dùng, nhất là trong điều kiện ùn tắc giao thông và ô nhiễm khí thải ngày càng trầm trọng.

Tương tự, các chính sách miễn, giảm nộp ngân sách khác đã phát huy tác dụng tốt để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế vượt khó khăn nhưng đến nay cũng cần phải cân nhắc để đảm bảo các nguồn lực cho ngân sách thực hiện nhiệm vụ khác đã bị trì hoãn trong thời gian qua, cũng như cho thực hiện các nhiệm vụ để xây dựng và phát triển đất nước.

Cùng chuyên mục
Nhiều chính sách thu đã lạc hậu, bất cập