Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal

(BKTO) - “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút hàng trăm doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp Halal.

lanh-dao-tphcm-va-cac-dai-bieu-tham-quan-mot-gian-hang-ban-cac-san-pham-dat-chuan-halal-phuc-vu-cho-cong-dong-nguoi-hoi-giao.-anh.jpg
Các đại biểu tham quan gian hàng bán các sản phẩm đạt chuẩn Halal phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo. Ảnh: Nguồn tphcm.chinhphu.vn

Chương trình "Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN" hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam tiếp cận những thông tin, định hướng về phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm Halal (cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo). Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các DN khối ASEAN trong sản xuất và phân phối các sản phẩm Halal.

Diễn đàn là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa thiết thực để hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa Halal quốc tế, tăng cường các hoạt động xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo. Đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo tại ASEAN.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới còn nhiều dư địa, đây được coi là chìa khóa vàng để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Việc phát triển ngành công nghiệp Halal của Việt Nam luôn được sự quan tâm sâu sát của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030".

Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành triển khai các hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất - tiêu dùng xanh, xuất khẩu bền vững. Tập trung các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal, nhất là lĩnh vực thực phẩm và các ngành phụ trợ, hậu cần như logistics, kho bãi… Hiện nay, Thành phố đã có thêm nhiều các tổ hợp dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo, số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Halal ngày càng tăng, cả về số lượng và chất lượng.

Các chuyên gia đánh giá, thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn về quy mô, mức tăng dân số, chi tiêu, đa dạng về lĩnh vực và triển vọng ngày càng tăng trưởng trong tương lai. Tính đến thời điểm này, có hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Việc phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ đi kèm. Đây là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, các du khách Hồi giáo đến kinh doanh và du lịch tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng cường hợp tác với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới./.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal