Kết thúc 3 phiên Hội thảo buổi sáng, chiều cùng ngày (18/10), tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Phiên Toàn thể Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
Góp thêm giải pháp tháo gỡ nút thắt nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế
Phát biểu khai mạc, đề dẫn Diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN - ông Hoàng Phú Thọ - cho biết, với địa vị pháp lý đã được hiến định, KTNN có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá việc thực thi chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nói riêng và quản lý kinh tế nói chung.
Những năm qua, đặc biệt những năm gần đây, hoạt động KTNN luôn bám sát các đường lối, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề nóng của thực tiễn. Kết quả kiểm toán, nhất là các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành đã chỉ ra những nút thắt, điểm nghẽn của cơ chế, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến các động lực của nền kinh tế.
“Để góp thêm những nhìn nhận và giải pháp góp phần tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời làm rõ vai trò và trách nhiệm của KTNN trong xây dựng chính sách pháp luật, giám sát và hỗ trợ việc thực thi pháp luật, hôm nay, KTNN tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước”” - ông Hoàng Phú Thọ nhấn mạnh.
Trước Phiên toàn thể, trong khuôn khổ của Diễn đàn, sáng 18/10 đã diễn ra đồng thời 03 phiên Hội thảo chuyên đề.
Tham dự trực tiếp tại 03 Hội thảo Chuyên đề có gần 700 đại biểu là lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Bộ, ngành, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; chuyên gia; nhà khoa học; đại diện Đại sứ quán 6 nước: Campuchia, Canada, Indonesia, Lào, Malaysia, Thuỵ Điển; Ngân hàng Thế giới; các trường Đại học, Viện nghiên cứu và các tổ chức, công ty kiểm toán quốc tế, hiệp hội; lãnh đạo các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, ban quản lý dự án...
Tại Phiên toàn thể của Diễn đàn, trên cơ sở các báo cáo tổng thuật kết quả chính của từng phiên Hội thảo Chuyên đề, các đại biểu tiếp tục thảo luận những nội dung quan trọng, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung của 03 phiên Hội thảo Chuyên đề.
Xây dựng khung chính sách mới, hoàn thiện, phù hợp hơn trong quản lý đất đai
Khái quát kết quả thảo luận tại Hội thảo Chuyên đề 01 “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và hoạt động kiểm toán nhà nước”, Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực I Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các tham luận và ý kiến thảo luận đã tập trung làm rõ, phân tích sâu sắc bản chất, nguyên nhân của những bất cập, vướng mắc, tồn tại - những “nút thắt” cơ bản trong công tác quản lý và sử dụng đất đai và định giá đất.
Trong đó, 6 nút thắt chính được các đại biểu chỉ ra gồm: về cơ chế chính sách; về công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nút thắt về công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; về thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về quản lý việc sử dụng đất sau khi được giao, cho thuê và nút thắt về giá đất và định giá đất.
Hội thảo đã đưa ra được những giải pháp vừa mang tính tổng thể, vừa có tính cụ thể để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và định giá đất.
Theo đó, các đại biểu đề nghị cần tập trung hoàn thiện việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các Luật có liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, hướng tới xây dựng một khung chính sách mới, hoàn thiện hơn, phù hợp hơn trong quản lý đất đai. Đồng thời, xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới Luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ; khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, bất cập.
Để tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan, các đại biểu nhấn mạnh, quy hoạch phải đảm bảo tính đi trước, tính đồng bộ, ổn định và tầm nhìn xa hơn. Quan trọng hơn, quy hoạch phải phù hợp với khả năng thực hiện, phải đi đôi với việc đảm bảo bố trí nguồn lực để thực hiện, tránh việc quy hoạch treo, hạn chế điều chỉnh quy hoạch, gây chậm trễ thủ tục, làm cho việc sử dụng đất đai không hiệu quả.
Về tăng cường năng lực quản lý, cần thực hiện tốt công tác đo đạc địa chính, thống kê, kiểm kê đất đai, chứng nhận quyền sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai gắn với chuyển đổi số; áp dụng công nghệ mới vào quản lý...
Đối với nhóm giải pháp về công tác định giá đất, các ý kiến đề nghị cầnhoàn thiện cơ chế, phương pháp định giá đất theo các định hướng và nguyên tắc: giá đất phải tiếp cận và phù hợp với giá thị trường; trong đó, quan trọng nhất là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về giá thị trường, đảm bảo chính xác, đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và dễ tiếp cận để phục vụ công tác định giá đất. Đồng thời, có giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm giải trình của các đơn vị tư vấn định giá đất; cụ thể hóa chủ trương bỏ khung giá đất, xây dựng Bảng giá đất sát với giá thị trường, được ban hành hàng năm; mở rộng phạm vi áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
Thảo luận tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung như: Những nút thắt của đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ của KTNN góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân; những phát hiện kiểm toán về vướng mắc, sai phạm trong quản lý đất đai; những bất cập trong xác định giá đất theo phương pháp thặng dư, trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án thương mại nhà ở tại doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa; nhận diện các vấn đề cần xử lý để phát triển các KKT, KCN thực sự bền vững và trách nhiệm của KTNN…
Các ý kiến cũng nhấn mạnh vấn đề hiện đại hóa việc định giá đất, tiếp cận với tiêu chuẩn chung của thế giới, trên cơ sở 5 trụ cột, theo ý kiến của đại diện WB, gồm: khuôn khổ pháp lý, bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực, phương pháp luận, hạ tầng cơ sở.
Đặc biệt, các ý kiến nhấn mạnh việc phát huy vai trò, trách nhiệm của KTNN trong tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai một cách khoa học, hiệu quả. Theo đó, KTNN phải xây dựng nhiệm vụ và tập trung kiểm toán để phát hiện các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, về tổ chức bộ máy quản lý, để góp tiếng nói cùng các địa phương, với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành để kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện. Đồng thời, KTNN cần kiến nghị xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư công
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, tại Hội thảo chuyên đề 02 “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước”, các ý kiến và tham luận đã nhận diện 7 nhóm vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư công, bao gồm: Cơ chế chính sách; nguồn vốn; công tác kế hoạch; công tác giải phóng mặt bằng; nguồn nguyên vật liệu; việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của các đơn vị/tổ chức cá nhân; tổ chức, triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư công như: Tiếp tục rà soát để xử lý triệt để những bất cập, hạn chế, những khoảng trống trong pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan; nâng cao hiệu quả huy động vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng công tác dự báo, phối hợp, xây dựng, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, hằng năm đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện dự án; điều chỉnh kế hoạch vốn đảm bảo kịp thời, linh hoạt.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có tính chất liên vùng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan/đơn vị, tổ chức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả.
Đáng lưu ý, Hội thảo đã khẳng định vai trò quan trọng của KTNN đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả đầu tư công. Theo đó, để thực hiện tốt vai trò này, các ý kiến đề nghị KTNN cần nâng cao chất lượng khi tham gia ý kiến chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng Kế hoạch kiểm toán trung hạn, hằng năm bám sát các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công, tập trung vào những dự án trọng điểm; đẩy mạnh kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề mới đối với lĩnh vực đầu tư công.
Cần có Luật về các khu kinh tế, khu công nghiệp
Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho hay, Hội thảo chuyên đề 03 “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của KTNN” đã tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong công tác quy hoạch phát triển khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN); thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; những vướng mắc khi đưa chính sách vào phát triển kinh tế cụm công nghiệp ở địa phương; vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế.
Các nút thắt được đề cập tại Hội thảo là: công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu mà còn mang tính cục bộ; tính gắn kết giữa quy hoạch phát triển công nghiệp, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực sử dụng đất đai và hạ tầng giao thông chưa cao. Việc phát triển các KKT, KCN chưa đáp ứng được liên kết vùng. Nhiều KKT, KCN chú trọng đến giải quyết công ăn việc làm nhiều hơn là thu hút những ngành nghề có tính đột phá và công nghệ cao. Các vấn đề bảo vệ môi trường vẫn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt là tại các cụm công nghiệp, các địa phương.
Bên cạnh đó, còn có sự khác biệt trong chính sách ưu đãi giữa các địa phương; có sự chồng chéo giữa một số quy định trong một số luật liên quan, đặc biệt là chính sách về thuế và ưu đãi miễn, giảm thuế; hiệu quả sử dụng đất chưa cao...
Từ thực tế đó, các đại biểu dự Hội thảo đề xuất một số các giải pháp để phát triển các KKT, KCN; trong đó các đại biểu nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, đề xuất cần có Luật về các KKT, KCN; quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm đất đai, phát huy tối ưu nguồn lực đất đai.
Cùng với đó, cần có ưu đãi hợp lý trong thu hút đầu tư với những ngành nghề có công nghệ mới; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển hạ tầng xã hội; bảo vệ môi trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các KKT, KCN.
KTNN mong rằng các phát hiện, kiến nghị của KTNN cũng như các tham luận, ý kiến trao đổi, đề xuất tại Diễn đàn sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, nhiều giá trị, làm căn cứ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp, giúp khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
KTNN kỳ vọng, Diễn đàn sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, khẳng định vai trò, vị thế, thể hiện sự sát sao, đồng hành của KTNN với Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình giải quyết các nút thắt, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, hướng tới đạt chỉ tiêu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2023 và những năm sau./.