Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Mục tiêu không chỉ là phòng dịch

(BKTO) - Cùng với việc hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, ngành ngân hàng đã và đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp này không chỉ dừng lại ở mục tiêu ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh…




Ngành ngân hàng tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Phạm Tuân

Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toánđiện tử, triển khai thí điểmMobile Money

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan này đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money), dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4/2020.

Cùng với đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tục chỉ đạo việc triển khai chương trình giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử. Cụ thể, tại Công văn số 727/NHNN-TT ngày 11/02, NHNN yêu cầu từ ngày 25/02, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến, các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương; giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 VND trở xuống) cho người sử dụng dịch vụ.

Tiếp đó, ngày 13/3, NHNN lại ban hành Văn bản số 1680/NHNN-TT, trong đó yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các khoản thanh toán của khách hàng có giá trị từ 500.000 - 2.000.000 VND, với mức giảm tối thiểu bằng mức giảm phí mà Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (NAPAS) đã điều chỉnh (900 VND/giao dịch); khuyến khích các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của NAPAS đã thực hiện. Thời gian áp dụng từ ngày 25/3 đến hết 31/12/2020. Cuối tháng 3 vừa qua, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 01/4 đến hết 31/12/2020.

Thực hiện các chỉ đạo trên, đến ngày 26/3, đã có 44/45 ngân hàng xác nhận tham gia triển khai miễn, giảm phí dịch vụ lần 1, chiếm 99,7% tổng số lượng giao dịch chuyển tiền giá trị dưới 500.000 VND qua NAPAS. Ngay khi mới triển khai, Chương trình miễn giảm phí lần 2 trong năm 2020 cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của 37 ngân hàng, chiếm tỷ trọng 98,9% tổng số lượng giao dịch chuyển tiền qua NAPAS.

Bên cạnh việc thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, nhiều ngân hàng và công ty trung gian thanh toán còn tăng cường giới thiệu các dịch vụ giao dịch trực tuyến (online) để thu hút người dùng. Điển hình là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tặng 100% phí giao dịch trên BIDV SmartBanking, BIDV Online cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm online với mức lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm tại quầy giao dịch.

Như vậy, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, ngành ngân hàng đã và đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Phòng ngừa dịch bệnh, đẩy nhanhtốc độ số hóa nền kinh tế

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra khuyến cáo tiền giấy có thể là vật dụng trung gian truyền nhiễm virus Corona. Do vậy, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ lây lan, truyền nhiễm của dịch Covid-19. Đặc biệt, hoạt động này còn góp phần tiếp tục thực hiện chủ trương, mục tiêu mà Chính phủ cũng như NHNN đặt ra từ nhiều năm nay.

Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng phương tiện thanh toán... Triển khai Đề án này, nhiều cơ quan, đơn vị, ngân hàng và DN đã cùng vào cuộc. Theo thống kê của NHNN, hiện có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động. Riêng giao dịch tài chính qua kênh internet tính đến hết năm 2019 đạt hơn 200 triệu giao dịch, trị giá hơn 10 triệu tỷ đồng, tăng 51,8% so với năm 2018. Đến cuối năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 kho bạc nhà nước địa phương, đáp ứng nhanh chóng và kịp thời nhu cầu chi tiêu ngân sách của các đơn vị. Đáng chú ý, khoảng 99% DN đã kết nối với ví điện tử, 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, hơn 30 bệnh viện kết nối thanh toán.

Kết quả tích cực trên là cơ sở để Chính phủ cũng như NHNN tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm nay đã đề ra mục tiêu: số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 20 - 25% hằng năm.

Trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới, đánh giá kết quả thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và đề xuất biện pháp đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới. Thực hiện chỉ đạo này, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2020, trong đó yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo các chuyên gia, việc ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo, định hướng trên sẽ không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh mà còn tạo động lực cho tăng trưởng, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tốc độ số hoá nền kinh tế.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Mục tiêu không chỉ là phòng dịch