Thúc đẩy thí điểm sử dụng công nghệ xét nghiệm COVID-19 qua nước bọt

(BKTO) - Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đặt ra yêu cầu này với Bộ Y tế tại cuộc họp chiều 08/6, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo.



                
   

Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP

   

Số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tính từ ngày 27/4 (ngày bùng phát đợt dịch thứ 4) đến ngày 08/6, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 6165 ca mắc COVID-19; trong đó, số ca trong nước là 5875 ca, số ca nhập cảnh là 300, số ca đang điều trị 5294, số ca tử vong là 18.

Trong đợt dịch này, dịch bệnh đã xuất hiện ở 39 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.Trong đó, 5 địa phương ghi nhận số ca mắc cao là: TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa.

Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế nhận định trong những ngày tới, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. HCM có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới do nhiều trường hợp đã bị phơi nhiễm từ trước, hầu hết đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa. Số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại.

Đồng thời, sẽ vẫn có thể ghi nhận một số trường hợp mắc đơn lẻ tại một số địa phương khác từ những người nhập cảnh trái phép hoặc từ những trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh tại một số ổ dịch cũ.

Ban Chỉ đạo lưu ý, các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang và TP. HCM cần tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, chú trọng ở mức cao nhất công tác giám sát, phát hiện tại cộng đồng và đảm bảo an toàn cao nhất với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Bộ Y tế cần tiếp tục theo dõi chặt tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang; TP. HCM và một số địa phương lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu)… theo sát tình hình Lạng Sơn; rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch tại Điện Biên.

Thúc đẩy 2 phương pháp xét nghiệm mới

Các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh và Bắc Giang cho thấy, một trong những vấn đề đáng lo nhất hiện nay là dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp nhưng không được phát hiện nhanh.

Qua báo cáo của các đơn vị về năng lực xét nghiệm, các ý kiến thống nhất cần tích cực chuẩn bị các giải pháp từ sớm để trong tình huống dịch xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu công nghiệp thì tổ chức xét nghiệm ngay từ những ngày đầu.

Bộ Y tế phải khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tập huấn cho công nhân, người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để đề phòng trường hợp xấu, cần lấy số lượng mẫu xét nghiệm rất lớn.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế thúc đẩy thí điểm sử dụng công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 qua nước bọt; tiếp cận công nghệ, phương pháp sàng lọc kết hợp xét nghiệm sinh học, quang học và trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, hai phương pháp xét nghiệm này đã được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bước đầu cho kết quả khả quan. Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ có đánh giá, đề xuất triển khai thí điểm trên thực địa vùng có dịch.
         
Ban Chỉ đạo và các chuyên gia nhận định: Nếu các địa phương kiểm soát tốt thì tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, dập được dịch trong tháng 6, nhưng sẽ vẫn ghi nhận những ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng.

Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế khẩn trương đúc rút kinh nghiệm phòng, chống dịch trong khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, phổ biến ngay cho các địa phương, nhất là những địa bàn có nhiều khu công nghiệp để có các bước chuẩn bị, không để bị động./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy thí điểm sử dụng công nghệ xét nghiệm COVID-19 qua nước bọt