Thực hiện đồng bộ giải pháp để tạo đột phá trong cải cách hành chính

(BKTO) - Nhấn mạnh những giải pháp thực hiện cải cách hành chính được các cơ quan triển khai thời gian qua đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, song các chuyên gia cho rằng, những kết quả này là chưa đủ, khi người dân vẫn còn gặp khó khăn nhất định khi thực hiện dịch vụ công như đi lại nhiều lần, phải nộp thêm tiền ngoài chi phí, lệ phí theo quy định…



                
   

Cần đẩy mạnh và đảm bảo hiệu quả thực chất trong thực hiện dịch vụ công điện tử. Ảnh: N.LỘC

   

Có chuyển biến nhưng chưa triệt để

Dẫn Kết quả đo lường sự hài lòng của chi phí tuân thủ đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (Chỉ số SIPAS 2021) được Bộ Nội vụ công bố mới đây, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
         
Kết quả Chỉ số SIPAS 2021 cho thấy, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước năm 2021 là 87,16%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 94,07% - 82,79%. Các tỉnh có chỉ số hài lòng cao ở nhóm đầu (từ 90% trở lên) gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh, Sơn La, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Theo đó, 46/63 tỉnh, thành phố có người dân, tổ chức phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 22/63 tỉnh, thành phố bị phản ánh phải trả thêm tiền ngoài phí/lệ phí.

Đáng chú ý, một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, chưa coi đây là một giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, nhất là đối với việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 422/QĐ-TTg.

Việc triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh còn chậm do chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin dẫn đến nhiều thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng người dân vẫn phải cung cấp lại khi thực hiện TTHC, dịch vụ công.

Theo TS. Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, qua kết quả khảo sát cho thấy, có 2,57% trường hợp được hỏi cho biết bị trễ hẹn trả kết quả, trong số đó, chỉ có 40,38% nhận được thông báo của cơ quan về việc trễ hẹn trả kết quả và 42,58% nhận được xin lỗi của cơ quan về vấn đề này. 57/63 tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng trễ hẹn trả kết quả dịch vụ, trong đó chỉ có 4/57 tỉnh, thành phố thực hiện thông báo cho người dân về việc trễ hẹn và đã thực hiện xin lỗi người dân về việc trễ hẹn.

Theo TS. Hòa, số trường hợp được hỏi bị trễ hẹn đã giảm mạnh so với các kỳ khảo sát trước đây. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động cải cách đang mang lại hiệu quả. Song phân tích cụ thể hơn các trường hợp này cho thấy vẫn còn nhiều điều đáng bàn, khi phần lớn các trường hợp bị trễ hẹn không nhận được thông báo, xin lỗi của cơ quan giải quyết thủ tục. “Ý thức trách nhiệm, văn hóa công vụ của một bộ phận cán bộ vẫn chưa thay đổi, chưa coi đây là hoạt động phục vụ người dân” - TS. Hòa nói và nhấn mạnh, điều này trái với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ khi xác định: Mục tiêu của cải cách hành chính là đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh giải quyết hành chính trên môi trường điện tử

Trên cơ sở chỉ ra thực trạng, nhận diện những nguyên nhân khiến cho việc thực hiện cải cách hành chính nói chung chưa đạt hiệu quả đề ra, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tham mưu cho Chính phủ, đồng thời trong thẩm quyền sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết tình trạng này, trong đó đặt trọng tâm vào việc đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường số; đôn đốc các Bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Theo đó, đối với công tác rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tập trung trong 9 nhóm TTHC gắn kết mật thiết với môi trường kinh doanh, bao gồm: đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành.

Nhấn mạnh những hoạt động này có tác động lan tỏa và bao trùm tới các hoạt động kinh tế, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng lưu ý, các hoạt động này cần thực hiện sớm nhất có thể để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, thay vì trông chờ vào thay đổi ở cấp độ luật, nghị định vốn có độ trễ nhất định.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng thực hiện và xử lý TTHC trực tuyến, gia tăng các TTHC được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các cổng dịch vụ xử lý TTHC trực tuyến của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Theo ông Hùng, áp dụng thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, phát triển các hệ thống hỗ trợ thông tin về TTHC, điều kiện kinh doanh hay tăng cường giám sát để giảm chi phí không chính thức… đều là những hành động, biện pháp có thể thực thi ngay.

Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đẩy mạnh hình thức giao dịch điện tử, PGS,TS. Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, những cam kết của chính quyền, các cơ quan giải quyết hành chính đưa ra với người dân, doanh nghiệp là cần thiết, nhưng quan trọng hơn, đó là việc thực hiện trên thực tế phải thực chất, triệt để và hiệu quả. “Cần tránh tình trạng đưa yêu cầu thực hiện TTHC trực tuyến trở thành một thủ tục mới và sẽ tạo ra chi phí tuân thủ bổ sung” - PGS,TS. Tô Văn Hòa lưu ý.

Cùng với đó, theo khuyến nghị của chuyên gia, các cơ quan nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác chia sẻ dữ liệu điện tử, thông tin giữa các cơ quan để người dân, doanh nghiệp không phải thực hiện các TTHC “phụ”, từ đó giúp giảm chi phí tuân thủ; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong điều chỉnh, cũng như giải quyết TTHC theo thẩm quyền, trên tinh thần thúc đẩy tối đa, giải quyết nhanh chóng, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp./.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Thực hiện đồng bộ giải pháp để tạo đột phá trong cải cách hành chính