Nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn đã được các DN gửi tới Chính phủ và các Bộ, ngành. Ảnh: TS
Doanh nghiệp gửi nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn
Lý giải nguyên nhân số kiến nghị của các DN và hiệp hội DN tăng lên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho biết, lý do chính là DN tăng đề xuất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động của Covid-19 và phục vụ Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các DN diễn ra trong tháng 5/2020.
Trong đó, Bộ Tài chính là cơ quan nhận được nhiều kiến nghị của các DN, hiệp hội DN nhất, liên quan điến việc áp dụng chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí cho DN theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ; cơ chế, chính sách hỗ trợ một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp bởi dịch Covid-19; sớm ban hành Nghị định cho thực hiện ngay việc hồi tố với chi phí lãi vay khi tính thuế trong hai năm 2017, 2018 và cho phép chuyển tiếp chi phí trong thời hạn 5 năm; đề nghị giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2020, 2021 nhằm vực dậy các DN sau dịch bệnh…
Phía Ngân hàng Nhà nước nhận được các kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính sách hỗ trợ DN vay trả lương cho người lao động với lãi suất 0%; giảm sâu thêm từ 2 - 3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu cho từng nhóm khách hàng; cho phép DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay; hướng dẫn hỗ trợ các khoản vay bằng USD đối với DN xuất khẩu; cho vay ưu đãi 0% đối với các DN ngành bán lẻ các thực phẩm thiết yếu… Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị đề nghị hỗ trợ trả lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí, lệ phí trong năm 2020 như: không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021; trả lương cho người lao động bằng 40% lương tối thiểu vùng hoặc DN trả 60% lương và Chính phủ hỗ trợ 20%; có hướng dẫn cụ thể về trường hợp người lao động nghỉ việc, ngừng việc không hưởng lương trong thời gian dịch bệnh để người lao động giữ nguyên việc làm; đối với các DN bị đóng cửa, cần cho phép người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp toàn phần để có thể giữ chân người lao động.
Cùng với đó, nhiều đề nghị liên quan đến hỗ trợ chính sách về bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, phí vận tải và xuất khẩu cũng được các DN, hiệp hội DN gửi tới các Bộ: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đối với một số địa phương, DN đã kiến nghị tháo gỡ khó khăn thông qua việc hỗ trợ DN được thuê đất thực hiện dự án trang trại; giảm thuế thuê đất; ban hành quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp; tạo thuận lợi cho DN vận chuyển hàng hóa…
Tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòng với trả lời kiến nghị còn cao
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trong quý II/2020, VCCI đã nhận được 36 văn bản trả lời của các Bộ, ngành, địa phương đối với các kiến nghị của DN. Qua theo dõi, từ ngày 01/4 - 30/6/2020, còn 177 kiến nghị của DN, hiệp hội DN chưa được các Bộ, ngành, địa phương trả lời. Các Bộ, ngành có nhiều kiến nghị chưa được trả lời gồm: Bộ Tài chính 29 kiến nghị; Ngân hàng Nhà nước 29 kiến nghị; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 18 kiến nghị; Bộ Công Thương 13 kiến nghị; Bộ Giao thông vận tải 9 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 8 kiến nghị; Bộ Thông tin và Truyền thông 7 kiến nghị; Bộ Tài nguyên và Môi trường 6 kiến nghị…
Theo đánh giá của VCCI, nhìn chung, các Bộ, ngành đã chủ động tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của DN khá đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn. Tuy nhiên, còn một số Bộ, ngành trả lời, giải quyết các kiến nghị DN chưa kịp thời và đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ do liên quan đến việc hướng dẫn chính sách pháp luật nên cần phải có thời gian nghiên cứu và/hoặc phải trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến.
Qua khảo sát ý kiến của 500 DN, hiệp hội DN về chất lượng trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, Chủ tịch VCCI cho biết, có 51,1% DN trả lời hài lòng và rất hài lòng, 48,9% DN trả lời chưa hài lòng. Tuy nhiên, tỷ lệ DN cảm thấy chưa hài lòng lại tăng lên khá cao (17,5%) so với tỷ lệ 31,43% của cùng kỳ năm 2019. Đối với việc giải quyết kiến nghị của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, có 57,4% DN trả lời hài lòng và rất hài lòng, 42,6% DN trả lời chưa hài lòng (tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2019).
Chia sẻ về lý do chưa hài lòng, có đến 61,7% DN nhận định rằng câu trả lời quá chung chung, giải thích mà không giải quyết kiến nghị; 17% DN cho rằng cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật mới giải quyết được, nhưng việc sửa đổi tiến hành chậm. Đồng thời, có tới 19,1% DN phản ánh cơ quan chức năng chỉ ghi nhận kiến nghị mà không giải quyết. Cá biệt có 12,8% DN phản ánh cơ quan chức năng trả lời không đúng nội dung kiến nghị...
Từ những kết quả trên, VCCI đã đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục có ý kiến với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm các kiến nghị của DN, đặc biệt là các kiến nghị tồn đọng từ đầu tháng 4/2020.
QUỲNH ANH