Thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai thông tin để ngăn chặn kịp thời vi phạm

(BKTO) – Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng, việc ban hành Luật sẽ có bước vượt trội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là vấn đề công khai thông tin.



                
   

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Tất cả các quyết định liên quan đến nguồn lực công, đến người dân đều phải công khai

Bảy tỏ tâm đắc và đồng tình với mục đích xây dựng Luật là để “đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị", đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, nhìn lại những vụ đại án tham nhũng thời gian vừa qua thì mục đích này rất xác đáng.

Theo đại biểu, nếu làm tốt dân chủ ở cơ sở chắc chắn sẽ tránh được những vi phạm phải xử lý như thời gian vừa qua.

“Nếu chúng ta thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai thông tin là Nhà nước phải mua của Việt Á một kit test với giá như thế, hải quan cũng công khai thông tin là hàng tháng Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá là 0,955 USD/kit test thì chắc chắn chúng ta sẽ không để xảy ra tình trạng hàng loạt vi phạm như thời gian vừa qua” – đại biểu Hoàng Văn Cường dẫn ví dụ.
                
   

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Khái quát lại, theo đại biểu, nếu nhìn lại tất cả những vụ án tham nhũng, từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc kể cả vụ mua bán của Mobifone thì đều giống nhau một điều là tất cả đều thực hiện rất đúng các quy trình, có đầy đủ các cơ quan có chức năng như là định giá tham gia, nhiều người tham gia, song tất cả đều không được minh bạch, công khai, không được thông tin để cho người dân biết.

Cũng theo đại biểu Cường, để thực hiện tốt mục tiêu đặt ra là quyền lực thuộc về nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý thì Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đạt được sứ mệnh này. Vì vậy, đại biểu đề nghị khi hình thành Luật phải có bước nâng cao vượt trội hơn hẳn so với những quy định của Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đại biểu đề xuất hai vấn đề liên quan đến công khai, minh bạch. Thứ nhất, về nguyên lý bất kể vấn đề gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những vấn đề thuộc về bí mật nhà nước.

“Tôi đề nghị chúng ta không nên quy định trong Luật này là công khai những gì, bởi thực tế cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều. Do vậy, nên thực hiện phương thức quy định theo dạng loại bỏ, tức là chỉ những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm thì không được công khai, còn lại tất cả các quyết định liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân thì đều phải thực hiện công khai” – đại biểu Cường đề nghị.

Đề xuất thứ hai là liên quan đến phương thức thực hiện công khai, đại biểu đề nghị không nên quy định các hình thức công khai qua mạng xã hội cụ thể, mà chỉ quy định mục tiêu là buộc những người quản lý có trách nhiệm phải lựa chọn được một phương thức thông tin để đảm bảo rằng tối thiểu có một tỷ lệ bao nhiêu phần trăm người dân biết được thông tin này.

Khắc phục tình trạng công khai thông tin sơ sài, hình thức

Đồng quan điểm với đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) nhận xét, việc đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin của chính quyền địa phương cấp xã được quy định tại Điều 10 đến Điều 12 của dự thảo Luật, chưa thực hiện đổi mới, chưa đầy đủ, chưa chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
                
   

Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu thảo luận. Ảnh:quochoi.vn

   

Theo đại biểu, thực tế cho thấy, không phải địa phương nào cũng có điều kiện để xây dựng cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử để tổ chức thông cáo báo chí, bố trí người phát ngôn. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện công khai thông tin của chính quyền cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đòi hỏi nguồn lực kinh phí không nhỏ, trong khi nguồn lực NSNN còn hạn chế.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các hình thức công khai thông tin để vừa đảm bảo đa dạng, đổi mới, tiệm cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, vừa đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn áp dụng, tránh lãng phí nguồn lực…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra thực tế nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng thông báo mang tính chất hình thức, vắn tắt những nội dung nhạy cảm, nhất là về lĩnh vực quy hoạch đất đai, việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án hoặc kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã và cán bộ thôn, công tác thi đua, khen thưởng...

Hơn nữa, hiện nay pháp luật chỉ quy định về nội dung, hình thức công khai mà thiếu quy định về tính minh bạch trong công khai của chính quyền cấp xã. Vì vậy, nhiều địa phương thực hiện công khai một cách chiếu lệ. “Nếu công khai không kèm theo sự minh bạch thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của người dân. Tôi đề nghị nghiên cứu quy định một số hình thức công khai bắt buộc đang thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn để có cơ sở tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin của cơ quan, đơn vị” – đại biểu đề nghị.

Đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến nhân dân về các lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, quy định về cơ chế đảm bảo việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành thực chất và hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng lấy ý kiến mang tính hình thức để khép kín thủ tục, hồ sơ, không đảm bảo thực chất hoặc lấy ý kiến thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai thông tin để ngăn chặn kịp thời vi phạm