Thực thi quản trị hiệu quả về biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững

(BKTO) - Một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đối mặt hiện nay là “Làm thế nào để tiếp cận và thực thi các thông lệ tốt trên thế giới về quản trị biến đổi khí hậu một cách hiệu quả?”.



                
   

Các diễn giả tham dự Hội thảo. Ảnh: Deloitte

   

Ngày 14/9,tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Deloitte Việt Nam đã tổ chứcHội thảoTư duy lãnh đạo và thực thi quản trị hiệu quả về biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững.

Hội thảo có sự đồng hành của các đối tác là Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Dragon Capital, với sự hỗ trợ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).

Tại sự kiện, các chuyên gia của Deloitte Việt Nam và lãnh đạo DN, quỹ đầu tư quốc tế đã chia sẻ về những thay đổi trong vai trò và yêu cầu của hội đồng quản trị (HĐQT) đối với quản trị phát triển bền vững gắn với biến đổi khí hậu, cũng như xây dựng một DN bền vững theo các thông lệ tốt của quốc tế.

Phát triển bền vững, bao gồm các mối quan tâm về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, thế giới đang thực sự thức tỉnh khi biết rằng cần phải hành động nhanh và mạnh mẽ hơn nữa nhằm giải quyết những thách thức này trước khi quá muộn. Trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người, từ chính phủ, DN, nhà đầu tư đến từng cá nhân, trong đó, HĐQT đóng vai trò chính để thúc đẩy hành động của mỗi DN.

Theo Báo cáo “Phát triển bền vững CxO của Deloitte 2022: Khoảng cách giữa tham vọng và hành động”, các nhà lãnh đạo DN cấp cao trên toàn cầu ngày càng quan ngại đến tác động của biến đổi khí hậu. Dẫu vậy, họ cũng đang gặp nhiều thách thức trong việc lồng ghép yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh, hoạt động điều hành và văn hóa cốt lõi của DN.

DN Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, tuy nhiên, các giám đốc điều hành (CEO) và ban điều hành cũng đang cố gắng triển khai những cách thức mới trong chương trình hành động chống biến đổi khí hậu và đưa mục tiêu phát triển bền vững vào DN của họ. Mặc dù mức độ thách thức và các mối quan ngại có thể khác nhau nhưng tất cả DN đều cần nhanh chóng chuyển từ giai đoạn “tại sao” sang “làm thế nào” với những phương thức tiếp cận riêng.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam - cho biết: Quản trị công ty được đánh giá như một công việc tất yếu DN phải làm, có gắn bó mật thiết với năng lực cạnh tranh của công ty. Với một thị trường mới nổi như thị trường chứng khoán Việt Nam, việc áp dụng và cải thiện quản trị công ty yêu cầu một lộ trình thay đổi đầy đủ mà HĐQT giữ vai trò chủ động tiếp cận với xu thế toàn cầu, tích hợp nội dung vào chương trình nghị sự và cần chủ động hành động.

Cùng với cam kết phát thải ròng bằng không (0) được đưa ra bởi Chính phủ, hệ thống quy định pháp luật sẽ tiếp tục được kiện toàn. Đây cũng chính là con đường tất yếu và là một cơ hội trên hành trình phát triển DN một cách bền vững.

Tại quốc gia nơi phát triển bền vững vẫn chưa đi sâu vào thực tiễn như Việt Nam, HĐQT thay đổi tư duy một cách đồng nhất với cam kết để có thể quản trị công ty hiệu quả, từ đó thúc đẩy mục tiêu này trở thành ưu tiên dài hạn ở cấp độ toàn DN và đảm bảo một tương lai bền vững.

“Quản trị công ty là lựa chọn chứ không phải bắt buộc nên DN một khi đã tham gia cần phải vượt qua mức yêu cầu thấp nhất là tuân thủ pháp luật để tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty”- bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh.

Cùng với xu thế tất yếu của phát triển bền vững, Deloitte đã triển khai nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy lựa chọn có trách nhiệm với khí hậu trong tổ chức và lan tỏa đến cả hệ sinh thái gồm khách hàng, đối tác và các bên liên quan khác, điển hình là chiến dịch WorldClimate.

Ngoài ra, Deloitte cũng đầu tư một tỷ USD vào nghiên cứu phát triển bền vững và biến đổi khí hậu (Sustainability & Climate), bao gồm phát triển các dịch vụ liên quan đến khách hàng, nghiên cứu và năng lực dựa trên dữ liệu.

Tại Việt Nam, Deloitte đã chính thức ra mắt dịch vụ Phát triển bền vững và Biến đổi khí hậu nhằm hỗ trợ các DN đa quốc gia, cũng như các DN Việt Nam xác định và triển khai lộ trình phát triển bền vững hơn thông qua các hành động: Xác định lại chiến lược, lồng ghép các cân nhắc bền vững vào hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về thuế, công bố thông tin và quy định đến giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của các tổ chức và chuỗi giá trị./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Thực thi quản trị hiệu quả về biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững