Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn nên áp dụng sau năm 2026?
Bộ Tài chính cho biết, qua 16 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã đạt được các kết quả quan trọng. Tuy nhiên, với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB cũng đã bộc lộ một số điểm cần bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện.
Trong đó điều đáng chú ý là đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Hiện tại mới có 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Trong khi đó, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB của các nước rất đa dạng, ví dụ Trung Quốc thu thuế TTĐB đối với 15 nhóm hàng hóa; Thái Lan thu thuế TTĐB đối với 17 nhóm hàng hóa và dịch vụ.
Hơn nữa, ở Việt Nam, thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia còn thấp.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Luật thuế TTĐB (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần đảm bảo thu đúng thu đủ, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính đề xuất các mặt hàng bia chịu thuế TTĐB 80% từ năm 2026 và 100% vào năm 2030; tương tự, rượu dưới 20 độ sẽ chịu thuế 50% vào năm 2026 sau đó tăng lên 70%.
Hiện tại, mức thuế TTĐB với bia là 65%, rượu 35-65%. Ngoài rượu, bia, Bộ Tài chính cũng tính áp thuế suất 10% thuế TTĐB với nước ngọt.
Theo dự kiến, dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp lần thứ 8 (10/2024), có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, dự thảo luật đưa một số mặt hàng vào diện chịu thuế, một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế, một số quy định được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi này sẽ đáp ứng nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính công bằng.
Đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng này cho rằng, trong bối cảnh DN còn gặp nhiều khó khăn, đề xuất mức tính thuế với một số mặt hàng như bia, rượu là cao; đối với đồ uống có đường chưa thực sự có đủ bằng chứng chứng minh là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần xem xét lại mức thuế, đặc biệt cần tính toán lại lộ trình áp dụng, không nên bắt đầu từ năm 2026...
TS. Nguyễn Huy Quang - Trưởng ban tư vấn phản biện của Tổng hội Y học Việt Nam - khẳng định: theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một văn bản khi ban hành phải được tính toán trên cơ sở cân bằng giữa lợi ích kinh tế và an sinh xã hội, trong đó, chính sách an sinh xã hội phải được đảm bảo trước hết. Thực tế cho thấy, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, ngoài biện pháp tính thuế, vẫn còn có nhiều giải pháp khác đã và đang được Nhà nước áp dụng như chính sách pháp luật, biện pháp hành chính, tuyên truyền, kinh tế…
Cũng theo ông Quang, việc tính thuế TTĐB với đồ uống có đường được đặt ra từ năm 2012 nhưng do chưa có đủ bằng chứng khoa học nên đã tạm gác lại. Hiện nay, trên cơ sở các luận chứng khoa học của quốc tế và Bộ Y tế, Bộ Tài chính mới đưa ra đề xuất tính thuế với đồ uống có đường. Thế giới cũng đã có tới 113 nước quy định thuế TTĐB với đồ uống có đường, riêng ASEAN có 6 quốc gia, trong khi đến nay, Việt Nam vẫn chưa có. Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng chỉ tính thuế với đồ uống có đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam (TCVN) là 5g/100ml, chứ không phải 0,1g/100ml như nhiều nước. Đó cũng chính là tính phổ quát của vấn đề. Các nước khi tính thuế với đồ uống có đường cũng phải dựa trên vấn đề công bằng xã hội, sức khỏe con người.
Đối với bia, rượu, theo ông Quang, Bộ Tài chính đề xuất mỗi năm, thuế TTĐB chỉ tăng 5%. Đề xuất này phù hợp với lạm phát, mức tăng thu nhập bình quân đầu người, đảm bảo ổn định kinh tế bởi lạm phát mỗi năm khoảng 4,6%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 6,9%/năm, thậm chí tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2022 tới 11% thì mức tăng thuế 5%/năm là hợp lý.
Đồng quan điểm này, bà Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - khẳng định, các y văn thế giới đều khẳng định tác hại của việc tiêu thụ liên tục đồ uống có đường. Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt giải pháp trong đó có việc tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng, nhờ đó nhiều ngành hàng đã giảm lượng đường tiêu thụ trong sản phẩm.
Tuy nhiên, là nước đang phát triển, ý thức của người dân chưa cao, nên cùng với tuyên truyền, tăng thuế để tăng giá bán sản phẩm là một giải pháp thiết thực và hiệu quả. Hơn nữa, ngưỡng tính thuế với sản phẩm đồ uống có đường cũng là 5g/100ml, nên các DN chỉ cần thay đổi một chút công nghệ, điều chỉnh giảm lượng đường trong sản phẩm là đảm bảo yêu cầu, sản phẩm sẽ không bị tính thuế.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS, TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) - chia sẻ, so với các nước thì mức thuế TTĐB nói chung của Việt Nam không cao. Thậm chí, nếu so với tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thì thuế TTĐB có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đóng góp trong tổng thu cân đối NSNN từ 6,5-7 %.
Ngoài tăng thu NSNN, mục tiêu điều chỉnh thuế TTĐB còn để có thêm nguồn lực bù đắp cho chi tiêu trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, cần tăng thuế TTĐB đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ, trong đó cần “đánh thuế cao với thuốc lá” nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng nhất là ở nhóm người nghèo - PGS, TS. Vũ Sỹ Cường
Tuy nhiên, theo ông Cường, chính sách thuế cần được phân tích trên góc độ cân bằng tổng thể với nhiều bên liên quan, gồm cả thị trường, tác động kinh tế (thu NSNN, DN, lao động…), bối cảnh áp dụng.
Về phương pháp tính thuế, hiện dự thảo mới áp dụng phương pháp hỗn hợp với thuốc lá. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, mở rộng áp dụng phương pháp này, đồng thời nên quy định khung hoặc trần với thuế tuyệt đối – ông Cường khuyến nghị.
Tăng thuế TTĐB với thuốc lá: cần nghiên cứu lộ trình tăng thuế cũng như thuế suất
Ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) - cho hay, Việt Nam thuộc 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, nhiều chương trình hành động, gồm cả việc tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình vào năm 2016 và 2019, nhưng kết quả thu được chưa cao. Tỷ lệ người sử dụng thuốc lá tại Việt Nam có giảm song tốc độ giảm khá khiêm tốn, từ 47,4% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vào năm 2010 xuống 45,3% vào năm 2015 và khoảng 42,7% vào năm 2022.
Một trong những lý do chính là do giá thuốc lá của Việt Nam còn thấp, hiện đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam hiện ở mức 75% giá bán của nhà sản xuất. Tuy nhiên, tổng các khoản thuế tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 38-39% trong giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam hiện nay, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của các quốc gia có mức thu nhập trung bình (59%) và đa số các nước ASEAN (khoảng 60-70%), cũng như khuyến nghị của WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) là khoảng 2/3 đến 3/4 giá bán lẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và được sự nhất trí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) về việc thông qua nguyên tắc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá và đưa ra 2 phương án tăng thuế theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030.
Phương án 1 đối với thuốc lá điếu tăng 2.000 đồng/bao mỗi năm. Với phương án 2, năm 2026 tăng 5.000 đồng/bao, mỗi năm sau tăng 1.000 đồng/bao. Trong đó Bộ Tài chính đề xuất sử dụng phương án 2.
Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội - nhấn mạnh, thuốc lá là tác nhân gây ra nhiều bệnh. Do đó, việc đánh thuế TTĐB với thuốc lá là cần thiết.
Mặc dù vậy, việc tăng thuế TTĐB cần phải cân đối nhiều lợi ích như người trồng nguyên liệu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo sức khỏe của người dân… Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể hơn về lộ trình tăng thuế cũng như thuế suất để có giải pháp hài hòa lợi ích các bên. Trong quá trình thảo luận cần có dẫn chứng cụ thể về ưu nhược điểm của các giải pháp để có sức thuyết phục.
Ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) – cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần thiết.
Tuy nhiên, với đề xuất của Bộ Tài chính về mức thuế TTĐB tuyệt đối cho mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà một cách đột ngột, đột biến và lớn như vậy sẽ tác động sâu rộng đến ngành thuốc lá.
Theo đó, VTA đề xuất 2 phương án tăng thuế TTĐB đều có mức khởi điểm từ 1.000 đồng/bao vào năm 2026 và đến 2030 là 3.000 đồng/bao.
Theo ông Nhân, tỷ lệ tăng giá bán xuất xưởng và giá bán lẻ chỉ nên từ 4% đến 20% là phù hợp với đặc điểm sản phẩm thuốc lá hợp pháp. Như vậy sẽ giúp tránh được cú sốc về tăng giá bán thuốc lá hợp pháp, giảm thiểu biến động lớn, từ đó có cơ hội bình ổn thị trường ngăn chặn thuốc lá nhập lậu./.