Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng số vốn đã giải ngân trên toàn tỉnh Hà Giang là: 1.501,5 tỷ đồng/4.888,8 tỷ đồng, đạt 30,7% kế hoạch. Cao hơn bình quân chung của cả nước 3,2%. Trong đó: Giải ngân kế hoạch vốn kéo dài thời gian thanh toán năm 2023 sang năm 2024 là 90,5 tỷ đồng/525,36 tỷ đồng, đạt 17,14% kế hoạch. Giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 là 1.411,4 tỷ đồng/4.363,5 tỷ đồng, đạt 32,35% kế hoạch. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Giải ngân 376,1 tỷ đồng/1.082 tỷ đồng, đạt 34,76% kế hoạch.
Như vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn chậm so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân là do còn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp nguồn nguyên vật liệu xây dựng thông thường, giá cả nguồn vật liệu thông thường cao hơn so với dự toán, diễn biến thời tiết bất thường mưa to, lũ ống, lũ quét…làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Để đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Hà Giang đã giao cho các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các huyện, thành phố kiểm đếm, đo đạc diện tích đất đai, giá đất đền bù giải phóng mặt bằng sát với thực tiễn… nhanh chóng bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở và các đơn vị quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính đã được nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, manh mún trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo với mục tiêu, nhiệm vụ, danh mục dự án đầu tư./.