Thiếu sót trong phát triển hệ thống điện
SNAO đã thực hiện một cuộc kiểm toán và chỉ ra những hạn chế lớn khiến các giải pháp phát triển hệ thống điện chưa được triển khai hiệu quả, chưa phù hợp với mục tiêu chung của chính sách năng lượng. Trong đó, SNAO đặc biệt nhấn mạnh một số hạn chế lớn bao gồm: Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước hành động chậm trễ, chưa có kế hoạch dài hạn và phân tích tác động không đầy đủ đối với các giải pháp phát triển hệ thống điện. Cuộc kiểm toán cho thấy, phần lớn các quyết định trong lĩnh vực này được thực hiện khi các cơ quan quản lý chưa phân tích đầy đủ về tác động, đặc biệt tác động đối với an ninh nguồn cung. Điều này gây ra một số hậu quả tiêu cực.
Cụ thể, việc tăng thuế đối với sản xuất điện năm 2015 trong khi giá điện thấp đã góp phần khiến 4 lò phản ứng điện hạt nhân phải đóng cửa, làm suy yếu mạng lưới truyền tải. Một vấn đề khác là việc tăng thuế năng lượng và khí thải carbon đối với các nhà máy nhiệt khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất, gây ra tình trạng thiếu điện ở một số thành phố lớn.
Những hạn chế, thiếu sót hiện tại dẫn đến thực trạng là các quyết định liên quan đến mục tiêu phát triển hệ thống điện thường mang tính ngắn hạn và thiếu hiệu quả.
Ông Helena Lindberg - Tổng Kiểm toán Thụy Điển
Từ năm 2015 đến năm 2020, sau khi 4 lò phản ứng điện hạt nhân bị đóng cửa, 17 tỷ kWh giờ sản lượng hằng năm bị cắt giảm. Trong cùng thời gian, Chính phủ đã bổ sung thêm khoảng 11 tỷ kWh năng lượng gió. Nguồn cung này được cho là khó có thể lập kế hoạch chính xác phục vụ cho công tác điều tiết vì phụ thuộc vào thời tiết. Điều đó dễ dẫn đến sự bị động, gây căng thẳng cho hệ thống điện quốc gia.
SNAO cho rằng, cách xử lý hậu quả của Chính phủ và Trung tâm Truyền tải điện quốc gia thường mang tính phản ứng, bị động và không có quy trình rõ ràng. Do đó, những nỗ lực của Nhà nước đã bị chậm trễ. Mặc dù Chính phủ xác định cần nỗ lực rút ngắn quy trình cấp phép và tăng tốc mở rộng mạng lưới điện, tuy nhiên, phải mất hơn một thập kỷ các biện pháp cần thiết mới được lên kế hoạch và bắt đầu triển khai.
Báo cáo dẫn chứng một ví dụ, từ nửa đầu thập niên 2010, nhu cầu tăng công suất truyền tải giữa miền Bắc và miền Nam Thụy Điển rất lớn, tuy nhiên, dự án đường ống hoàn chỉnh đầu tiên có thể phải đến năm 2033 mới được hoàn thành.
Cần nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra
Người đứng đầu SNAO cho biết, tại Thụy Điển, Nhà nước chịu trách nhiệm chính về hoạt động của hệ thống điện và xem xét mở rộng mạng lưới điện khi cần thiết. Tuy nhiên, có những giai đoạn việc phân tích hậu quả hoàn toàn không được thực hiện, việc soạn thảo các quyết định không được chú ý, các hậu quả kéo theo đó cũng không được giải quyết.
Báo cáo của SNAO nhận định, trong vài thập kỷ nữa, có thể phần lớn xã hội sẽ được điện khí hóa, mức tiêu thụ điện sẽ tăng nhanh. Hệ thống điện phải được điều chỉnh và mở rộng với tốc độ nhanh hơn so với thời điểm hiện tại, nhu cầu tái đầu tư vào mạng lưới truyền tải cũng tăng nhanh. Để đạt được mục tiêu đề ra, hoạt động đầu tư hiện nay phải mở rộng với tốc độ gấp nhiều lần so với 4 năm qua. Mặc dù thừa nhận những điều này, Trung tâm Truyền tải điện quốc gia vẫn không thể tăng đầu tư phù hợp vào mạng lưới truyền tải điện.
SNAO nhấn mạnh, hệ thống điện hiệu quả là nền tảng cho một xã hội vận hành trơn tru. Do đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Báo cáo đã đưa ra một số kiến nghị, như: Chính phủ cần chú trọng đến công tác phân tích tác động đầy đủ cũng như đề xuất cách xử lý rủi ro trước khi đưa ra các quyết định có tác động lớn đến hệ thống điện. Bên cạnh đó, cần xây dựng các giải pháp hiệu quả, lâu dài trong lĩnh vực điện lực; cần tăng tốc để mở rộng mạng lưới truyền tải điện quốc gia, tiến tới đảm bảo điện khí hóa trong mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt.
SNAO cho rằng, Trung tâm Truyền tải điện quốc gia phải hành động nhanh chóng để tăng cường khả năng truyền tải trong mạng lưới hiện có. Đồng thời, Chính phủ phải có những quy định và tầm nhìn chiến lược để xác định những biện pháp nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai liên quan đến tình trạng thiếu điện và cạnh tranh không lành mạnh./.
(Theo brusselssignal.eu và tổng hợp)