Rumani: Nhân sự - yếu tố then chốt trong quản lý rủi ro lũ lụt

Vừa qua, Kiểm toán nhà nước Rumani (NAOR) đã thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động đánh giá công tác quản lý rủi ro từ lũ lụt. Theo NAOR, công tác này đã và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng, gây ra nhiều hệ lụy.

9.jpg
Rumani từng hứng chịu nhiều trận bão lũ nghiêm trọng. Ảnh: ST

Thiếu nhân sự quản lý hệ thống phòng, chống lũ

Cuộc kiểm toán được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý rủi ro từ lũ lụt; đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các chương trình, hành động và biện pháp được thực hiện nhằm ngăn chặn rủi ro, ứng phó và phục hồi sau những tác động do lũ lụt gây ra trong giai đoạn 2014-2021.

Các kiểm toán viên của NAOR đã phân tích cách thức các Bộ, ban, ngành thực hiện trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý rủi ro lũ lụt gồm: Bộ Môi trường, Nước và Rừng (MEWF), với tư cách là cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chính; Bộ Nội vụ; Bộ Phát triển, Công trình công cộng và Quản trị cùng Cơ quan Giám sát hệ thống quản lý nước quốc gia (thuộc MEWF).

Theo các dữ liệu được NAOR phân tích, hệ thống phòng, chống lũ lụt không hoạt động hiệu quả do việc phân bổ thiếu nguồn lực tài chính, đặc biệt là nhân lực. Tình trạng này kéo dài nhiều năm dẫn đến việc bảo trì cơ sở hạ tầng phòng, chống lũ không đầy đủ, khiến một số mục tiêu đặt ra từ 30 năm trước không đạt được.

Tháng 11 vừa qua, MEWF được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã công bố một đánh giá rủi ro lũ lụt và ước tính thiệt hại trung bình hằng năm có thể lên tới 1,7 tỷ euro, ảnh hưởng đến 150.000 công dân Rumani tại 526 khu vực có nguy cơ lũ lụt cao.

Báo cáo của NAOR chỉ rõ, hơn một nửa số đập hiện có trên toàn quốc (809 đập) đang vận hành trái phép, (221 đập) có giấy phép vận hành an toàn đã hết hiệu lực. Thực tế, các đập không được bảo trì, sửa chữa và đang trong tình trạng bị ảnh hưởng, xuống cấp, lãng quên… có thể gây ra nguy cơ lũ lụt kèm theo nguy cơ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự an toàn của người dân và việc vận chuyển hàng hóa trong khu vực.

Nhiều con đê phòng lũ cũng chưa được cấp phép vận hành an toàn, một trong những nguyên nhân chính là việc nhân sự thiếu chuyên môn để đánh giá tình trạng vận hành an toàn của đê, đập. Hơn nữa, việc thiếu chuyên gia trầm trọng trong lĩnh vực thủy điện dẫn đến việc không thể áp dụng, tuân thủ đầy đủ các biện pháp và trách nhiệm liên quan đến việc đánh giá điều kiện vận hành an toàn của các công trình. NAOR xác định, nhiều hoạt động khác cũng bị ảnh hưởng do thiếu nhân sự.

Cần thay đổi cơ cấu nhân sự

Báo cáo của NAOR đánh giá, ở cấp quốc gia, hệ thống quản lý rủi ro khẩn cấp đã được xây dựng và có sự phối hợp kỹ thuật giữa các Bộ. Tuy nhiên, có những khó khăn trong việc vận hành các hệ thống này do thiếu cơ sở hạ tầng hoạt động hiệu quả và thông tin liên lạc liên cơ quan, do sự phối hợp chưa ăn ý giữa các cơ quan chức năng.

NAOR chỉ rõ vấn đề thiếu hụt các nhân viên chuyên môn có vai trò đảm bảo quy trình hoạt động và vận hành hệ thống quản lý rủi ro khẩn cấp hoặc tình trạng làm việc kiêm nhiệm có thể gây khó khăn trong việc điều hành các hoạt động liên quan đến tình trạng quản lý rủi ro. Qua kiểm toán, NAOR nhận thấy các đơn vị được kiểm toán đều phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự chuyên môn nghiêm trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực thủy điện, xây dựng, kiểm soát, vận hành…

Tại Rumani, quá trình đánh giá tác động lũ lụt dựa trên thông tin do ủy ban khẩn cấp tại địa phương và các chủ sở hữu công trình đưa ra. Việc khó liên lạc với chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chức năng có thể dẫn đến việc không thể kịp thời đánh giá thiệt hại để có biện pháp khắc phục và phục hồi khẩn cấp. Việc thiếu một phương pháp luận thống nhất ở cấp quốc gia để đánh giá thiệt hại sau thiên tai và các tình huống khẩn cấp dẫn đến việc không phản ánh đúng tổng thiệt hại tài chính thực tế.

Trên cơ sở các phát hiện kiểm toán, NAOR đã đưa ra một số khuyến nghị kiểm toán cho các Bộ, ban ngành. NAOR cho rằng, các cơ quan cần tiến hành phân tích và thay đổi cơ cấu nhân sự sớm nhất có thể. Đặc biệt, các Bộ cần đánh giá mức độ phức tạp của công tác phòng, chống lũ lụt hiện tại, từ đó khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động bao gồm các biện pháp, hành động và mục tiêu nhằm thực hiện Chiến lược quản lý rủi ro lũ lụt quốc gia.

Bên cạnh đó, NAOR cho rằng, Chính phủ cần sửa đổi, cập nhật khung pháp lý hoàn thiện hơn. Các cơ quan có thẩm quyền cần đảm bảo nguồn tài chính, nhân lực đầy đủ và kịp thời cho việc đầu tư hệ thống phòng, chống lũ lụt. Chính quyền các địa phương và người dân cần tăng cường các hoạt động phòng ngừa, chuẩn bị đối phó với lũ lụt chủ động và hiệu quả nhất./.

(Theo NAOR và preventionweb.net)

Cùng chuyên mục
Rumani: Nhân sự - yếu tố then chốt trong quản lý rủi ro lũ lụt