Sáng 4/10, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước về tình hình thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN năm 2025 trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cùng đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành III tham dự buổi làm việc.
Nhu cầu vốn đầu tư năm 2025 cho lĩnh vực văn hóa tăng hơn 4,2 lần
Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tính đến 30/6/2024, về cơ bản các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ dự toán chi thường xuyên theo các Nghị quyết của Quốc hội, quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ đối với các lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao, du lịch, phát thanh, truyền hình, thông tấn, giáo dục - đào tạo (GDĐT)…
Công tác phân bổ, quản lý và sử dụng NSNN năm 2024 đối với các lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao, du lịch, phát thanh, truyền hình, thông tấn thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật; việc điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ theo đúng dự toán được giao.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế trong 4 năm 2021-2024, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trung hạn giai đoạn 2021-2025 của 6 ngành, lĩnh vực do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách đã phân bổ đạt 62,42% kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Trên cơ sở số liệu nhu cầu đầu tư tại Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư năm 2025 cho lĩnh vực văn hóa tăng hơn 4,2 lần so với kế hoạch năm 2024 để thực hiện đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các ngành công nghiệp văn hóa; đầu tư hoàn thiện các công trình văn hóa quan trọng; đầu tư tu bổ các di sản văn hóa và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tại địa phương phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hưởng thụ văn hoá của người dân.
Nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư năm 2025 cho lĩnh vực thể dục, thể thao cũng tăng hơn 3,7 lần so với kế hoạch năm 2024; trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tăng hơn 2,58 lần so với kế hoạch năm 2024; trong lĩnh vực phát thanh truyền hình thông tấn tăng hơn 1,96 lần so với kế hoạch năm 2024…
Theo kết quả kiểm toán, đối với các lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách cho thấy, về cơ bản các Bộ, ngành đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác điều hòa, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025; công tác quản lý, thực hiện đầu tư đã được tổ chức thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan.
Dự toán chi phải phù hợp với khả năng giải ngân
Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao Báo cáo của các đơn vị. Nội dung các báo đã cung cấp nhiều số liệu, thông tin vừa tổng thể, vừa cụ thể về tình hình phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN, kế hoạch đầu tư công năm 2024 trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách; về vốn chi sự nghiệp (ngân sách trung ương và địa phương) cho văn hóa, thể thao, du lịch; GDĐT; thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo... Các báo cáo đã đánh giá được kết quả thực hiện năm 2024, đồng thời, dự toán năm 2025 và giai đoạn 3 năm (2025-2027) của các lĩnh vực.
Trong giai đoạn tới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chưa được quan tâm; đồng thời tham mưu với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035 (khi được Quốc hội thông qua); chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (khi được phê duyệt). Đảm bảo đủ NSNN chi cho GDĐT theo yêu cầu Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.
Bên cạnh đó, xem xét quy định giảm mức thuế suất đối với các cơ quan báo chí, xuất bản khi xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); có chính sách thúc đẩy kinh tế báo chí, trong đó có một số nhóm chính sách thành phần như: thành lập Tập đoàn báo chí; tạo điều kiện trong liên kết hoạt động báo chí; sửa đổi quy định về nguồn thu của báo chí… tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển.
Phát biểu tại cuộc làm việc, từ góc độ Kiểm toán nhà nước (KTNN), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung lưu ý, trong xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2025, các Bộ, ngành cần bổ sung đánh giá đầy đủ các nhiệm vụ thu, chi năm 2024 còn thiếu, đồng thời làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan đối với những nội dung này.
Đối với dự toán năm 2025, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, KTNN đề nghị các Bộ, cơ quan khi lập dự toán thu cần lưu ý đến dự toán thu phí, lệ phí; thuyết minh rõ nguyên nhân tăng, giảm để bảo đảm phù hợp với ước thực hiện năm 2024
Đồng thời, KTNN đề nghị các Bộ, ngành rà soát, thuyết minh xây dựng dự toán năm 2025 và giai đoạn 2025-2027 theo đúng Luật NSNN, trong đó cần lưu ý đến các yêu tố về đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách và chủ trương sắp xếp lại bộ máy.
Đối với chi đầu tư, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan cần lập đầy đủ kế hoạch chi đầu tư cho cả 3 năm 2025-2027 trong dự toán chi đầu tư năm 2025. Một số cơ quan cần rà soát dự kiến phân bổ vốn đầu tư năm 2025 đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc theo quy định và phải phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân, tránh tình trạng lập dự toán cao sau đó giải ngân gặp khó khăn.
Về chi thường xuyên, các Bộ, ngành cần lập và thuyết minh đầy đủ các căn cứ, cơ sở tính toán, kế hoạch tài chính của 3 năm giai đoạn 2025-2027, thuyết minh về số liệu giảm tối thiểu 2-3% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, các vấn đề lớn tại cuộc làm việc cơ bản đã có sự thống nhất; đồng thời mong muốn trong thời gian tới, sự phối hợp giữa các đơn vị sẽ ngày càng chặt chẽ hơn nữa để cùng làm tốt các nhiệm vụ chung, góp phần đảm bảo công tác xây dựng kế hoạch chi NSNN hàng năm thực sự chất lượng và sát với nhu cầu thực tiễn.