Tích cực kết nối thị trường, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Việt Nam với quốc tế

(BKTO) - “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 01/2023” vừa diễn ra ngày 31/01 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Công Thương.

qc.jpg
Quang cảnh Hội nghị đầu cầu Bộ Công Thương. Ảnh: BCT

Hội nghị thu hút trên 500 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 là năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả ngoạn mục khi GDP tăng 8,02%, ngân sách thu vượt 20%; lạm phát trong tầm kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm.

Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp đạt mức độ tăng trưởng trên dưới 8%, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo đạt 8,1%, đóng góp 2,1 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP của đất nước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD và cũng là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với thặng dư thương mại đạt 11,2 tỷ USD. Tháng 01/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 46,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 25,08 tỷ USD, nhập khẩu đạt 21,47 tỷ USD, xuất siêu 3,6 tỷ USD.

“Đạt được kết quả này có vai trò khá quan trọng và rõ nét của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài với những báo cáo, phản ánh kịp thời những diễn biến của thị trường, chính sách của nước sở tại để có đối sách phù hợp. Thương vụ cũng có những khuyến cáo dành cho doanh nghiệp, địa phương để có những điều chỉnh phù hợp trong sản xuất kinh doanh, kết nối cung cầu trong thương mại và đầu tư, nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm 2022, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được phê duyệt với hơn 100 đề án. Kết quả triển khai đã hỗ trợ trên 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến thương mại và hàng triệu doanh nghiệp hưởng lợi từ các chương trình cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, các sự kiện xúc tiến thương mại.

Năm 2023, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã được phê duyệt với 76 đề án phát triển ngoại thương. Để đảm bảo hiệu quả thực hiện các đề án trong bối cảnh thị trường có nhiều điểm mới, Cục Xúc tiến thương mại đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương cho phép tiếp tục phối hợp với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đổi mới phương thức thực hiện, chủ động và sáng tạo hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại.

Tại Hội nghị, đại diện một số Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại, cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây.

Đại diện các Hiệp hội, cơ quan địa phương trong nước cũng đã thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, công tác xúc tiến thương mại cần được triển khai đa dạng hơn, không chỉ là các hoạt động xúc tiến xuất khẩu mà còn xúc tiến nhập khẩu, xúc tiến đầu tư, nhất là đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến.

Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2023 được dự báo thách thức hơn nhiều so với năm vừa qua. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài cần chú trọng nắm bắt chủ trương, chính sách mới của nước sở tại, nhất là những rào cản về kỹ thuật để tham mưu đối sách hợp lý nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia và quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Cần tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Việt Nam với quốc tế. Từ đó, giúp doanh nghiệp trong nước điều chỉnh, xác định đúng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp nhu cầu của thị trường; chú ý kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực cung ứng vật tư nguyên nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm có sẵn và phát triển sản phẩm mới theo nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng…

Cùng chuyên mục
Tích cực kết nối thị trường, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Việt Nam với quốc tế