KTNN khu vực I tiến hành kiểm toán các đơn vị.Ảnh: TRẦN SOẠN
Những năm gần đây, KTNN khu vực I đã nhận được đề nghị kiểm toán của một số đơn vị trên địa bàn, xin ông cho biết KTNN khu vực I đã tiếp nhận và xử lý những đề xuất đó như thế nào?
- Thực tế, thời gian qua, ngoài Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm được KTNN khu vực I thực hiện theo phê duyệt của lãnh đạo KTNN, thì một số đơn vị trên địa bàn KTNN khu vực I được phân công kiểm toán đã gửi văn bản đề xuất được kiểm toán thêm một số nội dung, công trình, dự án khác không nằm trong KHKT năm, KHKT của cuộc kiểm toán. Chẳng hạn, năm 2013, khi chúng tôi đang kiểm toán tại tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh đã gửi công văn đề xuất được kiểm toán thêm 01 dự án. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã trình và được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt thực hiện bổ sung. Hay tại Hà Nội, năm 2014, UBND quận Cầu Giấy đã có văn bản đề xuất kiểm toán chi tiết 05 dự án và đưa ngay vào cuộc kiểm toán mà KTNN khu vực I đang tiến hành. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, thời gian và tiến độ, chúng tôi đã thận trọng, lựa chọn thực hiện kiểm toán chi tiết 03/05 dự án mà đơn vị đã đề xuất. Vào cuối năm 2014, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã có văn bản đề xuất kiểm toán Dự án xây dựng trụ sở UBND quận. Sau khi chúng tôi báo cáo, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã phê duyệt và bổ sung ngay vào KHKT năm. Vừa qua, chúng tôi đã nhận được văn bản của UBND TP.Hà Nội, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng các công trình từ nguồn vốn NSNN đề xuất được kiểm toán Dự án Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II. Từ báo cáo của KTNN khu vực I, lãnh đạo KTNN đã chấp thuận, phê duyệt đưa ngay vào KHKT năm 2016. Gần đây nhất, UBND Thanh Xuân đã đề nghị được kiểm toán 01 dự án mua sắm đầu tư thực hiện cuối năm 2015. Xác định đây là dự án quản lý chi tiêu công của 01 quận nên KTNN khu vực I đã trả lời đơn vị khi kiểm toán ngân sách Hà Nội lần tới, chúng tôi sẽ quan tâm và đưa vào KHKT chi tiết.
Sau khi tiếp nhận đề xuất của các đơn vị, quy trình xử lý đã được KTNN khu vực I tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Sau khi nhận được đề nghị, chúng tôi làm tờ trình Tổng Kiểm toán Nhà nước qua Vụ Tổng hợp theo đúng trình tự. Khi đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước chấp thuận, KTNN khu vực I sẽ triển khai theo 2 hướng. Nếu đó là một cuộc kiểm toán độc lập thì chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, lập KHKT để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước. Còn nếu đó là một cuộc kiểm toán nằm trong KHKT chung của một địa phương thì chúng tôi sẽ làm công văn đề nghị bổ sung cuộc kiểm toán đó vào trong KHKT năm. Tất nhiên, trên thực tế, có những nội dung, công trình, dự án sẽ được kiểm toán độc lập nếu chúng tôi đã thực hiện xong kiểm toán ngân sách địa phương, còn khi vẫn đang kiểm toán và thấy phù hợp, cần thiết thì chúng tôi sẽ trình lãnh đạo ngành bổ sung để thực hiện kiểm toán lồng ghép.
Trong khi nhiều đơn vị e ngại và quan niệm “bị” kiểm toán, ông đánh giá như thế nào về động thái một số đơn vị chủ động đề xuất “được” kiểm toán?
- Việc các đơn vị chủ động đề xuất được kiểm toán là thể hiện rõ trách nhiệm và uy tín cao của người lãnh đạo. Một người lãnh đạo có trách nhiệm, có sự cầu thị thì bao giờ cũng muốn cho hệ thống tài chính được an toàn, vì thế đề xuất được đưa ra xuất phát từ ý thức chủ quan của họ và sự tin tưởng chất lượng của công tác kiểm toán. Sở dĩ nhiều đơn vị còn e ngại và quan niệm “bị” kiểm toán thường là do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do ngay chính đơn vị ấy có thể có nhiều sai sót nên không muốn ý kiến của các cơ quan bên ngoài đụng chạm đến. Thứ hai là có thể họ không sai sót, nhưng họ e ngại quá trình kiểm toán gây ra cho họ những áp lực, phiền phức, thậm chí họ cho là không hiệu quả.
Theo ông, KTNN khu vực I có những thuận lợi và khó khăn gì khi được giao thực hiện các cuộc kiểm toán bổ sung trong năm theo đề xuất được kiểm toán của các đơn vị?
- Về thuận lợi, trước hết là các đơn vị đề xuất được kiểm toán đều nằm trên địa bàn kiểm toán của KTNN khu vực I. Từ việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong nhiều năm qua đã giúp KTNN khu vực I nắm bắt được những thông tin cơ bản về đối tượng kiểm toán. Hơn nữa, các đề xuất được kiểm toán của đơn vị là thỏa đáng, phù hợp và thiết thực nên khi KTNN khu vực I trình, lãnh đạo KTNN rất ủng hộ. Do các đơn vị chủ động đề xuất được kiểm toán nên họ rất có trách nhiệm trong chuẩn bị và cung cấp hồ sơ. Điều này tạo thuận lợi lớn giúp KTNN khu vực I thực hiện kiểm toán nhanh, gọn, hiệu quả. Đồng thời, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trách nhiệm với công việc của các kiểm toán viên KTNN khu vực I đáp ứng yêu cầu của các đơn vị.
Khó khăn duy nhất đối với chúng tôi khi thực hiện kiểm toán bổ sung theo đề xuất của đơn vị là sự bị động về mặt thời gian, nhân lực. Bởi tất cả KHKT của ngành nói chung và KHKT của từng chuyên ngành, khu vực nói riêng đều đã xây dựng lịch trình chi tiết về thời gian, nhân lực thực hiện trong cả một năm. Do đó, khi có cuộc kiểm toán bổ sung theo đề xuất của đơn vị ngoài ngành, chúng tôi lại phải có sự điều chỉnh một chút về thời gian, nhân lực.
Có thể có người nghĩ rằng do công tác xây dựng KHKT năm chưa chuẩn nên phải phát sinh thêm các cuộc kiểm toán bổ sung theo yêu cầu của đơn vị được kiểm toán, ông lý giải như thế nào về việc này?
- Từ thực tiễn, chúng tôi thấy rằng, việc chọn mẫu của KTNN nói chung và KTNN khu vực I nói riêng không bao giờ “phủ sóng” hết được tất cả các đơn vị, công trình, dự án trên địa bàn, mà KTNN chỉ đưa ra những vấn đề trọng yếu, những vấn đề đảm bảo mục tiêu kiểm toán năm của KTNN. Vì thế, việc bổ sung vào KHKT chẳng qua là để phục vụ, đáp ứng nhu cầu quản lý, tăng cường giám sát tài chính của đơn vị, chứ không phải chỉ riêng phục vụ mục tiêu, KHKT đã được đặt ra. Đặc biệt là tại các dự án, trước khi đơn vị làm quyết toán, nếu KTNN kiểm toán trước và có kiến nghị cắt giảm giá trị được quyết toán thì họ sẽ xử lý được ngay, còn khi đã quyết toán dự án rồi, KTNN mới kiểm toán thì họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong xử lý kiến nghị.