Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Từ cuộc đua tìm kiếm vaccine
Cuộc chạy đua tìm kiếm loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 an toàn và hiệu quả vốn nóng lên từ những ngày đầu dịch bùng phát, tới nay đã đạt được những bước tiến nhất định. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện hơn 140 loại vaccine đang được phát triển và ít nhất 13 loại đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Ngoài loại vaccine Sputnik V do Nga phát triển, cho đến nay trên thế giới có tổng cộng 6 loại vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba, là giai đoạn thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá liệu vaccine có giúp bảo vệ nhiều người khỏi virus trong một thời gian dài hay không. 5 loại vaccine tiềm năng đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, hiện do các hãng dược AstraZeneca, Gamaleya/Sputnik, Moderna, Plizer và Sivovac sản xuất.
Trung Quốc - nơi bùng phát dịch COVID-19 - cũng là một trong những nước đi đầu trong cuộc đua phát triển loại vaccine này. Trung Quốc hiện có 4 loại vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng trên người. Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh cho biết vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc phát triển sẽ sẵn sàng được sử dụng cho công chúng vào đầu tháng 11 tới.
Nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, đang hợp tác chặt chẽ với lĩnh vực tư nhân để giành chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm vaccine, đặc biệt thúc đẩy việc điều chế một loại vaccine ngừa COVID-19 do công ty Moderna của nước này phát triển.
Châu Âu cũng tiên phong gây quỹ 8 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu vaccine. Khoảng 40 nước trên thế giới cùng với Liên hợp quốc và các tổ chức từ thiện và các viện nghiên cứu tham gia gây quỹ này. Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã thành lập một liên minh, hợp tác với các công ty then chốt trong ngành dược phẩm để thúc đẩy nỗ lực sản xuất vaccine tại châu Âu.
Trong khi đó, công tác nghiên cứu và phát triển vaccine ở Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan cũng đang được đẩy mạnh với mục tiêu có thể sản xuất vaccine trong đầu năm tới.
*Đến cuộc đua sở hữu vaccine
Trong khi các nhà khoa học, phòng thí nghiệm và các chính phủ trên khắp thế giới đang nỗ lực để tìm ra liều thuốc hữu hiệu, an toàn phòng ngừa COVID-19, một cuộc đua khác khốc liệt không kém cũng đang diễn ra. Đó là việc các nước giàu chi khoản tiền lớn để đặt cọc cho các hãng dược với mong muốn có được vaccine trước tiên ngay khi ra đời. Theo số liệu của tổ chức phi chính phủ Oxfarm, nhóm các nước giàu, chiếm 13% dân số toàn cầu, đã đặt mua hơn 50% số vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng của thế giới. Tổ chức này thống kê các thỏa thuận đã ký giữa các nước với các hãng dược phẩm và các công ty sản xuất 5 loại vaccine hàng đầu đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Theo các thỏa thuận này, cho đến nay các nước đã đặt mua tới 5,3 tỷ liều, trong đó 2,7 tỷ liều là từ các nước phát triển và một số vùng lãnh thổ.
Trong danh sách này, đi đầu là Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mở chiến dịch “Wapr Speed” để tăng tốc quá trình triển khai vaccine nhằm giành được ưu tiên tiếp cận vaccine cho 300 triệu dân Mỹ. Để làm được như vậy, Washington đặt cược vào nhiều nơi cùng một lúc, đầu tư hàng tỷ USD cho các chương trình khác nhau. Cuối tháng 7, Nhà Trắng thông báo tăng gấp đôi tiền đầu tư, gần 1 tỷ USD, để hỗ trợ công ty Moderna triển khai vaccine. Trước đó, liên minh hai công ty Đức - Mỹ BioNTech và Pfizer cho biết Washington sẽ rót 1,95 tỷ USD, nhằm bảo đảm có được 100 triệu liều trong trường hợp vaccine của hai hãng này được cấp phép sử dụng. Hai hãng dược Sanofi và GlaxosmithKline cũng xác nhận Chính phủ Mỹ sẽ chi 2,1 tỷ USD để mua vaccine do mình sản xuất. Mới đây, Chính phủ Mỹ thông báo chi hơn 1 tỷ USD để mua 100 triệu liều vaccine tiềm năng của hãng dược Johnson&Johnson, nâng tổng mức chi mua vaccine của Chính phủ Mỹ lên 5,1 tỷ USD. Tổng thống Mỹ tuyên bố ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 có thể sẽ được phân phối ở Mỹ vào những tháng cuối năm 2020.
Không đứng ngoài cuộc, EU đã quyết định dùng quỹ khẩn cấp 2,4 tỷ euro để có quyền tiếp cận tất cả các loại vaccine tiềm năng trong tương lai. Trong số này có hợp đồng ký với hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca nhằm cung cấp 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay. Trong thỏa thuận tương tự thứ hai, EU đã nhất trí mua 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng sản xuất dược phẩm lớn Sanofi và GSK của Anh và Pháp. Chính phủ Thụy Sĩ đã ký thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ để đảm bảo quyền tiếp cận sớm với 4,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 hiện đang được công ty này phát triển. Anh cũng tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận nhằm đảm bảo nước này sẽ được cung cấp trước vaccine tiềm năng của hãng dược GlaxoSmithKline và Sanofi. Hãng điều chế vaccine Valneva của Pháp cho biết Anh cam kết đầu tư một khoản tiền ban đầu trị giá 10 triệu bảng để tăng cường khả năng phát triển vaccine.
Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro dành 1,9 tỷ reais để mua và tiến tới sản xuất vaccine của Oxford/AstraZeneca. Công ty Pfizer và BioNTech cũng đã ký thỏa thuận cung cấp cho Canada một loại vaccine thử nghiệm BNT162 mRNA trong cả năm 2021.
Tại châu Á, Indonesia và Philippines đang “để mắt” tới vaccine của Trung Quốc, trong khi Singapore hợp tác với các hãng dược phẩm Mỹ. Nhật Bản cũng đã đặt mua 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19 tiềm năng của hãng dược phẩm Anh AstraZeneca từ đầu năm 2021.
Những danh sách còn dài cho thấy cuộc cạnh tranh “khốc liệt” nhằm sở hữu vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hệ quả của cuộc cạnh tranh này là giá cả leo thang và nguồn cung hạn chế, đặt ra khó khăn đối với các nước nghèo. Nhiều chuyên gia dự tính giá thành một liều vaccine COVID-19 trên thị trường có thể từ 50-60 USD khiến các nước nghèo không có đủ khả năng tài chính để mua hàng triệu liều cần thiết. Và ngay cả khi giá cả tăng cao, vaccine COVID-19 cũng sẽ rơi vào tình trạng cung không đủ cầu trong đại dịch.
Trước thực trạng trên, WHO đã cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc về vaccine" không giúp đánh bại virus. Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh rằng việc các nước giàu hơn dù tìm cách sở hữu vaccine vẫn không thể trở thành những "thiên đường an toàn" trước virus SARS-CoV-2 nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm virus. Ông khẳng định các nước giàu sẽ có lợi ích nếu đảm bảo rằng bất kỳ loại vaccine nào có thể được sản xuất để phòng COVID-19 đều được chia sẻ cho toàn thế giới.
Trong khi đó, Oxfarm và một số tổ chức khác kêu gọi dành một loại vaccine miễn phí cho người dân và phân phối công bằng dựa theo nhu cầu thực tế. Theo Oxfarm, điều này chỉ có thể được thực hiện nếu các tập đoàn dược phẩm hợp tác cho phép sản xuất vaccine rộng rãi nhất có thể thông qua việc chia sẻ bằng sáng chế, thay vì bảo vệ các sản phẩm độc quyền và bán cho nước trả giá cao nhất.
Và những nỗ lực đảm bảo tiếp cận vaccine hiệu quả, công bằng
Trong một nỗ lực nhằm hướng tới mục tiêu phát triển, mua vaccine ngừa COVID-19 và đảm bảo việc tiêm phòng được triển khai một cách công bằng, hiệu quả, ngày 21/9, EU và 14 quốc gia trong đó có Hàn Quốc, Australia, Canada, Singapore, Switzerland, đã ký tuyên bố chung kêu gọi phân phối vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới một cách "đầy đủ và công bằng".
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết "Những người bạn của COVAX" ủng hộ mạnh mẽ việc các quốc gia hợp tác trong vấn đề nghiên cứu và sản xuất vaccine, cũng như ủng hộ mục tiêu đảm bảo người dân toàn cầu có thể tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 một cách đầy đủ, công bằng và bình đẳng. Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia khác tham gia sáng kiến này.
COVAX là một trong những sáng kiến đa phương của WHO nhằm đảm bảo việc sẵn có vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên toàn thế giới, cùng với Liên minh Vaccine (Gavi) và Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI). EU và 14 quốc gia đã thành lập một nhóm cố vấn "Những người bạn" nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai COVAX như một nền tảng đa phương. Một trong những mục tiêu then chốt của COVAX đó là phân phối 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả vào năm 2021. Cho đến nay, 92 quốc gia có thu nhập thấp đang tìm kiếm sự hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX, trong đó hỗ trợ nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị và các xét nghiệm chẩn đoán. Khoảng 80 quốc gia có thu nhập cao hơn cũng bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế này nhằm đảm bảo việc tiếp cận nhanh và bình đẳng vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu.
Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, buộc tất cả các nước và khu vực phải gồng mình đối phó suốt 9 tháng nay, chỉ có sức mạnh tập thể của tinh thần đoàn kết, đồng lòng và chia sẻ, kể cả trong sản xuất và tiếp cận vaccine, mới có thể giúp thế giới chiến thắng kẻ thù chung. Việc EU và 14 quốc gia ký tuyên bố chung kêu gọi phân phối vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới một cách "đầy đủ và công bằng" sẽ là tiền đề tích cực hướng tới vaccine phòng COVID-19 được sản xuất hàng loạt và tiêm chủng đại trà cho người dân vào năm 2021.