Tiến độ giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm chậm, gây lãng phí nguồn lực

(BKTO) - Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng như báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm, gây lãng phí nguồn lực.



Giải ngân vốn đầu tư công cao nhất giai đoạn 2011- 2020…

Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.
                
   

Việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. KTNN thực hiện tốt vai trò giám sát việc giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời là cơ quan đạt kết quả cao trong thực hiện giải ngân nguồn vốn này. Ảnh: N.Lộc

   

Nhờ vậy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, tạo nên sức bật mới cho kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, trở thành một động lực để nền kinh tế chống đỡ với khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, góp phần không nhỏ vào việc duy trì mức tăng trưởng dương của Việt Nam năm 2020.
         
Tính đến ngày 31/12/2020, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2020 là 382,81 nghìn tỷ đồng, bằng 86,7% kế hoạch (vốn trong nước 354,63 nghìn tỷ đồng, bằng 88,8% kế hoạch; vốn ngoài nước 28,18 nghìn tỷ đồng, bằng 66,9% kế hoạch).
Nhiều Bộ, ngành, địa phương và một số dự án lớn, quan trọng của quốc gia có kết quả giải ngân cao, đạt trên 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao như: Hội Nhà báo Việt Nam 100%; Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 98,7%; Kiểm toán Nhà nước 97,9%; Hội Nhà văn Việt Nam 93,6%; Bộ Nội vụ 91,3%; Bộ Giao thông vận tải 90,9%...

...Song chưa giải ngân hết kế hoạch vốn được giao

Bên cạnh kết quả tích cực trên, Chính phủ cũng nhìn nhận rõ một số tồn tại, hạn chế trong đầu tư công. Theo đó, có tình trạng giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư chậm, phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, thủ tục chưa hoàn thiện, đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định. Một số Bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương giải ngân đạt rất thấp so với kế hoạch như: Hội chữ thập đỏ Việt Nam 4,4%; Hội Nhạc sĩ Việt Nam 9,1%; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 14,8%...

Chính phủ nhìn nhận, ngoài các nguyên nhân khách quan do thiên tai, dịch bệnh thì nguyên nhân chủ yếu là do việc chuẩn bị dự án chưa tốt; phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án không sát thực tế; lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực thi công; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng, dẫn đến người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường, dẫn đến chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu.
                
   

Một dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông - Ảnh minh họa

   

Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ rõ, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Cụ thể, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30.000 tỷ đồng; vốn trong nước khoảng 81.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm, tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm, như: Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông...

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chưa thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt; số dư kinh phí không còn nhiệm vụ chi của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải từ nguồn phí, lệ phí được để lại lớn (1.222,5 tỷ đồng), gây lãng phí nguồn lực.

Cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ cần khắc phục việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư chậm; đồng thời làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm, từ đó kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Tiến độ giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm chậm, gây lãng phí nguồn lực