Tiếng nói kiểm toán giúp minh bạch thông tin, gia tăng giá trị thụ hưởng dự án cho người dân

(BKTO) - Vốn quen với công việc hành chính trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, tôi không khỏi có chút bỡ ngỡ khi chuyển sang hoạt động điều phối dự án tại các địa bàn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, khi chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân vùng cao, đặc biệt là biết được công việc mà mình đang làm sẽ giúp ích cho người dân, chúng tôi đã được tiếp thêm sức mạnh, động lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.




KTV nhà nước thực hiện kiểm toán các dự án trọng điểm về xóa đói giảm nghèo của WB. Ảnh tư liệu

Những dự án góp phần đổi thay cuộc sống của người dân

Với mong muốn mang lại những giá trị cuộc sống, góp phần thay đổi hiện trạng còn nhiều khó khăn của người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, miền núi, Ngân hàng Thế giới (WB) đang thực hiện nhiều dự án cung cấp nước sạch, xóa đói giảm nghèo, vệ sinh nông thôn cho người dân. Đây là các dự án trọng điểm của WB góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. Theo đó, phương thức của dự án có sự khác biệt so với trước đây, đó là dự án giải ngân dựa trên kết quả đầu ra, tức là kết quả đạt được (dự án PforR). Trong đó, nhóm chúng tôi được đại diện KTNN tham gia điều phối dự án, trực tiếp có những tiếng nói đánh giá, tham mưu cho lãnh đạo KTNN đưa ra những tiêu chí đánh giá phù hợp.

Các dự án PforR là loại dự án đặc biệt hứa hẹn mang đến các hỗ trợ trực tiếp và thiết thực cho bà con vùng sâu, vùng xa một cách bền vững. Các dự án này đòi hỏi người điều phối phải bám sát tình hình hiện trường, không ngại khó, ngại khổ, đến tận nơi để gặp gỡ các đối tượng được hưởng lợi nhằm trao đổi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; tích cực phối hợp với chuyên gia về các vấn đề tồn đọng để đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, cũng như phải nghiên cứu kỹ các quy định để hiểu và áp dụng vào thực tế.

Với tính chất mới mẻ của dự án cũng như nhận thức được trọng trách của mình, việc tiếp cận dự án cũng là một thử thách đối với chúng tôi. Bởi, ngoài việc phải tìm hiểu về dự án, chúng tôi phải trực tiếp đi và tìm hiểu thói quen sinh hoạt của đồng bào dân tộc vùng cao... Đây là một thách thức lớn, khi các điều kiện về địa hình, thời gian lưu trú lâu ngày thực sự làm nao lòng một cô gái vốn quen việc "bàn giấy" như tôi khi mới tiếp cận công việc.

Hiểu hơn về cuộc sống của người dân qua những chuyến đi

Có thể nói, nhóm chúng tôi, trong đó chủ yếu là những người bắt đầu phải làm quen với lịch trình mới, từ khi rời chân khỏi văn phòng là những chuyến đi dài dằng dặc, cơ động trên những cung đường cheo leo của miền núi - địa bàn hoạt động chính của nhóm điều phối viên.

Những chuyến công tác đầu tiên, chúng tôi được tham gia các cuộc khảo sát thực tế cùng các chuyên gia để tìm ra giá trị cốt lõi của dự án, những lợi ích thiết thực sẽ đem lại cho bà con vùng dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, để từ đó có thể phát triển các tiêu chí đánh giá vừa đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ, vừa phù hợp với thực tế địa phương.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi, đó là chuyến đi Cao Bằng (đầu năm 2020) để xác minh thí điểm Chương trình "Hỗ trợ 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020". Tại đây, chúng tôi thử nghiệm các tiêu chí đánh giá, phương pháp kiểm tra... do nhóm xây dựng. Trong điều kiện địa hình miền núi vốn rất khó khăn, thời tiết lại thất thường, việc di chuyển của chúng tôi gặp nhiều trở ngại. Có những cung đường ngoằn ngoèo, gấp khúc, một bên vách núi dựng đứng, một bên vực thẳm hun hút, chỉ nhìn thôi mà đã thấy nôn nao. Nhớ đến trọng trách được Ngành giao phó, nghĩ đến việc người dân sẽ được thụ hưởng dự án, với sự góp sức của mình, chúng tôi lại động viên nhau tiến bước.

Vượt qua thử thách đó, chúng tôi đến với thử thách tiếp theo còn khó khăn hơn, đó là xác định tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành dự án. Để làm được điều này, chúng tôi phải thực sự hiểu được cuộc sống, tập quán và thói quen sinh hoạt của đồng bào nơi đây. Trong khi chúng tôi - những chuyên viên "bàn giấy" - ít trải nghiệm thực tế thì đâu dễ để nắm bắt được những vấn đề thực sự nan giải trên. Có thể những tiêu chí kiểm tra mình đưa ra tuy chặt chẽ, đúng quy định nhưng lại thiếu thực tế, thậm chí xa vời đối với bà con nơi đây... Vậy là, chúng tôi lại lăn xả bám lấy cuộc sống thường nhật của bà con, tìm hiểu từng chi tiết nhỏ, từ lời ăn, tiếng nói đến thói quen sinh hoạt nơi đây. Sau chuyến công tác, cả nhóm quyết định xác định lại các tiêu chí kiểm tra cho phù hợp mà vẫn đảm bảo được giá trị thiết yếu mà dự án mang lại...

Những chuyến đi của chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây, nhất là khi cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn và cần đến sự trợ giúp của các tổ chức. Từ những buổi đầu bỡ ngỡ tưởng chừng khó vượt qua được chính mình, đến nay, chúng tôi đều tự hào và tràn đầy động lực khi được đại diện KTNN để có những tiếng nói đối với dự án. Điều quan trọng hơn, những tiếng nói đó đã và đang góp phần làm gia tăng cơ hội thụ hưởng các giá trị từ dự án cho người dân.
         
KTNN sẽ tham gia xác minh kết quả độc lập, nhằm xác định mức độ hoàn thành các chỉ số do WB đề ra, làm cơ sở cho các hoạt động giải ngân. Nói cách khác, sự tham gia của KTNN đóng vai trò quan trọng trong việc làm minh bạch dự án, từ đó đảm bảo các nguồn lực đầu tư được phát huy giá trị, giúp người dân thụ hưởng tốt nhất giá trị của dự án.

LIÊN LIÊN
Vụ Hợp tác quốc tế
Cùng chuyên mục
Tiếng nói kiểm toán giúp minh bạch thông tin, gia tăng giá trị thụ hưởng dự án cho người dân