“Tiếng nói” từ các Hội, Hiệp hội góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Cho rằng quy định về tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) và mức hưởng các chế độ thai sản, lương hưu, tử tuất… chưa hợp lý, nhiều Hội, Hiệp hội đã có “tiếng nói” cụ thể góp ý vào Dự thảo Luật BHXH đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

huu.jpg
Các Hội, Hiệp hội cho rằng nhiều quy định về hưởng lương hưu chưa hợp lý. Ảnh: TS

Đóng BHXH theo lương thỏa thuận nhưng hưởng theo lương cơ sở?

Theo quy định pháp luật hiện hành và theo nội dung Dự thảo Luật thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là tiền lương tháng, bao gồm: mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác; được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được người lao động và người sử dụng lao động căn cứ vào tiền lương tối thiểu vùng để thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động.

“Tuy nhiên, mức hưởng các chế độ thai sản, hưu trí, tử tuất lại hưởng theo 01 mức tiền cụ thể hoặc dựa trên mức lương cơ sở là không hợp lý” - các Hiệp hội: Dệt may, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Da giày - Túi xách, Sữa, Bia - Rượu - Nước giải khát, Thực phẩm minh bạch, Gỗ và Lâm sản, Chè, Nhựa, Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Các nhà sản xuất xe máy và các Hội: Lương thực thực phẩm TP.HCM, Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM bày tỏ ý kiến.

Bởi, nguyên tắc của bảo hiểm là có đóng có hưởng, việc hưởng phải dựa trên mức đóng. Nền đóng căn cứ vào lương tối thiểu vùng để thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động, vậy tại sao chế độ hưởng lại theo mức lương cơ sở? - các Hội, Hiệp hội đặt vấn đề.

Cùng với đó, Chính phủ tiến tới sẽ bỏ mức lương cơ sở. Thêm nữa, việc quy định hưởng các chế độ theo 01 mức tiền cụ thể trong khi qua mỗi năm, Chỉ số CPI lại tăng thì mức tiền hưởng chế độ này không còn phù hợp với thực tế. Người lao động lại phải chờ điều chỉnh Luật mới được hưởng mức trợ cấp mới.

Do vậy, đại diện cho “tiếng nói” của nhiều ngành hàng, các Hội, Hiệp hội đã đề xuất nên quy định nền đóng BHXH và mức hưởng các chế độ đều căn cứ theo lương tối thiểu vùng.

Liên quan đến hồ sơ hưởng các chế độ thai sản, lương hưu và tử tuất, hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh mục tiêu số hóa, cải cách thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, tại Điều 60, 76 và 88 của Dự thảo vẫn chưa quy định người lao động có thể lựa chọn hình thức nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến. Như vậy, nội dung này vẫn chưa đáp ứng được thực tiễn và chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Vì vậy, đề xuất được đưa ra là phải sửa nội dung dự thảo thành: “người tham gia, người thụ hưởng các chế độ BHXH có thể được lựa chọn nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến hoặc hồ sơ bản cứng”.

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu, tại Điều 64 quy định điều kiện hưởng lương hưu và Điều 66 quy định mức lương hưu hàng tháng. Theo đó, tính đến năm 2035 thì nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi mới đủ tuổi nghỉ hưu.

Ngoài ra, Luật BHXH quy định người lao động được nghỉ hưu sớm tối đa 05 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%. Đối với đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2%.

Khi thời gian và số tiền đóng BHXH đủ lớn, về hưu sớm thì không nên trừ 2%/năm

Cho rằng những quy định trên không phù hợp với thực tiễn của người lao động Việt Nam, các Hội, Hiệp hội phân tích: trên thực tế, có rất nhiều người lao động tham gia BHXH sớm thì đến 50-55 tuổi sức khỏe đã giảm sút, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công việc, thậm chí rất khó tìm được việc làm và có thời gian đóng BHXH đã đủ 20 năm, thậm chí 30 năm. Như vậy, cả về thời gian và số tiền đóng cho BHXH đã đủ lớn.

thuy-san.jpg
Trong nhiều ngành nghề, nếu đợi đến đủ tuổi mới nghỉ hưu thì rất khó khăn cho người lao động. Ảnh: TS

Nếu chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chỉ tiêu cuộc sống. Và việc để người lao động lớn tuổi về hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ.

Đối tượng có số thời gian đóng BHXH thấp hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, mỗi năm không đóng BHXH sẽ bị trừ 2% là không hợp lý, mức trừ này quá cao so với mức hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu đối với đối tượng có thời gian đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ 75% (cứ mỗi năm đóng BHXH thì chỉ được tính bằng 0,5 tháng của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH).

Nếu người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu sớm (đóng BHXH từ đủ 30 năm), thì mỗi năm nghỉ hưu sớm bị trừ tương ứng 2% là không hợp lý, bởi việc trừ này không đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều và tỷ lệ trừ 2% là quá cao, trong khi chính sách BHXH đang cố gắng khuyến khích, động viên người lao động ở lại với Quỹ BHXH. Do đó, cần xem xét tỷ lệ này, đặc biệt nên có cơ chế thưởng cho những người lao động tham gia BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

Hơn nữa, việc tăng tuổi nghỉ hưu làm tăng tỷ lệ rút BHXH 1 lần và giảm số người hưởng BHXH 75%. Do vậy, đề xuất hợp lý là trong trường hợp người lao động mong muốn thì người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 05 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu) theo quy định và có thời gian đóng BHXH trên 20 năm thì được quyền về hưu, mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi 01 tháng lương hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% tương ứng với 1 năm như Luật BHXH 2006.

Còn trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm theo quy định và có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ và 32 năm đối với nam sẽ được về hưu ngay và được hưởng lưu hưu tối đa là 75%.

Góp ý cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu, các Hội, Hiệp hội phân tích: cách tính trợ cấp 1 lần cho những năm vượt quá thời gian để hưởng BHXH 75% đang được tính bằng “mỗi năm đóng BHXH cao hơn thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH”, cũng như cách tính tỷ lệ lương hưu của những người tham gia đóng BHXH vượt quá số năm quy định để được hưởng mức BHXH 75% là không hợp lý.

Do đối với người lao động muốn rời Quỹ BHXH và nhận trợ cấp BHXH 1 lần thì mỗi năm làm việc (sau 2014) được 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, trong khi đó, người lao động vẫn ở lại với Quỹ BHXH và đóng góp hơn 30 năm chỉ được nhận 0,5 lần.

Trước bất cập này, các Hội, Hiệp hội đề xuất tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa nên tính dựa trên tổng thời gian tham gia BHXH tương ứng, không nên áp mức trần 75%.

Ví dụ người lao động A (nữ) sẽ về hưu ở tuổi 57, tuy nhiên, tại thời điểm 55 tuổi bị suy giảm khả năng lao động 61% với 35 năm tham gia BHXH và họ quyết định nghỉ hưu sớm. Tức là người lao động nghỉ sớm 02 năm so với tuổi nghỉ hưu quy định và đã đóng BHXH vượt 05 năm so với số năm quy định để được hưởng mức BHXH 75%. 

Theo quy định hiện tại, cũng như trong Dự thảo Luật, mức hưởng lương hưu của người lao động A là 75% - (2x2%) = 71%. Mức hưởng trợ cấp 1 lần cho 5 năm vượt là 5x0,5 = 2,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ bảo hiểm. 

Nếu áp dụng theo đề xuất trên thì mức hưởng lương hưu của người lao động A là 75% + (2%x5) - (2%x2) = 81%, so với mức quy định mức trần hưởng BHXH là 75% thì người lao động A được hưởng lương hưu là 75% và mức hưởng trợ cấp 1 lần cho 5 năm vượt là (81% - 75%)/2x0.5= 1,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. 

Như vậy, trong ví dụ này, người lao động A được hưởng BHXH 75% và được nhận trợ cấp 1,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Liên quan đến quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau, các Hội, Hiệp hội đề xuất chỉnh sửa quy định tại Dự thảo Luật về chế độ người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Quy định phù hợp nhất là giữ nguyên như khoản 2 Điều 26 Luật BHXH hiện hành.

Do đó, các Hội, Hiệp hội đề nghị các cơ quan xem xét, điều chỉnh và bổ sung Dự thảo để Luật được ban hành không những phù hợp với thực tế của Việt Nam mà còn cạnh tranh với các nước khác, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động./.

Cùng chuyên mục
“Tiếng nói” từ các Hội, Hiệp hội góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội