Nhiều điểm sáng của nền kinh tế
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam quý IV/2018 tăng trưởng ở mức 7,31%. Tính chung cả năm 2018, GDP ước tăng 7,08%, mức cao nhất sau khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm.
Lý giải về con số tăng trưởng kỷ lục này, tại buổi Tọa đàm “Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018” do VEPR tổ chức ngày 10/01, tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng, chu kì tăng trưởng đi lên của kinh tế Việt Nam từ năm 2013 vẫn đang được duy trì suốt 5 năm qua.
Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ tiếp tục là ngành tăng trưởng nhanh nhất khu vực chiếm 8,51% và đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (0,92%). Các ngành khác như hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động kinh doanh bất động sản cũng đóng góp đáng kể.
Đáng chú ý, du lịch tiếp tục là điểm sáng với lượng khách quốc tế tới Việt Nam năm 2018 đã vượt qua con số 15 triệu, tăng gần 20% so với năm 2017.
Du lịch tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2018, khi đón hơn 15 triệu khách quốc tế. |
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2018 có mức tăng khá 8,85%, cao hơn tương đối nhiều so với cùng kỳ các năm trước (2016: 7,57%; 2017: 8,00%). Đây cũng là khu vực đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2018 ước đạt 244,72 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm DN FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu, đạt 175,52 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng kim ngạch và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu từ khu vực trong nước cũng có sự cải thiện đáng kể khi tăng đến 18,2%. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2018 tăng trưởng khoảng 12,5% và ước đạt 237,51 tỷ USD. Riêng nhập khẩu của khu vực FDI là 142,71 tỷ USD và khu vực trong nước là 94,80 tỷ USD. Điều này dẫn tới tình trạng xuất siêu 32,81 tỷ USD của khu vực vốn đầu tư nước ngoài và nhập siêu 25,60 tỷ USD của khu vực trong nước trong năm 2018.
Nói về những điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2018, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, DN tư nhân trong năm vừa qua cũng đã có nhiều bước phát triển tích cực đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Nhiều dự án lớn của DN tư nhân như Vinfast, Sân bay quốc tế Vân Đồn đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các DN tư nhân Việt Nam.
“Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi trước đây, các DN lớn của Việt Nam hầu hết đầu tư rất nhiều vào bất động sản nhưng hiện nay họ đã đầu tư sang công nghệ, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác” - bà Lan nhận định.
Xóa bỏ rào cản, đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cán đích
Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019, ông Thành cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6- 6,8% của Quốc hội là có thể đạt được. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng này có thể đạt 6,9%. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng trên sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khu vực FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa DNNN.
TS. Nguyễn Đức Thành |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam trong năm tới tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức. Điển hình là việc cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như bất lợi về lợi thế quy mô như Trung Quốc và Ấn Độ.
Mặt khác, những kết quả vừa qua của nền kinh tế đang phụ thuộc lớn vào khối DN FDI. "Đây là điểm sáng, nhưng cũng chính là điểm yếu của nền kinh tế. Đặc biệt, thành tích xuất khẩu của khu vực FDI lại chịu chi phối bởi một số DN lớn như Samsung khi chỉ riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện ước chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm” - TS. Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, VEPR cũng đề xuất trước tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang trong năm 2019, Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế - kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN, mặt khác nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới.
“Trong những năm gần đây, bức tranh về thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều. Khi nguồn vay ODA ngày càng hạn chế, Việt Nam phải dựa nhiều vào nguồn nội lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển. Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc thu gọn, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy chính quyền để giảm chi thường xuyên. Qua đó, thâm hụt ngân sách sẽ dần được cắt giảm và tạo được “đệm tài khóa” nhằm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế thế giới” - VEPR kiến nghị.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC