Tiếp tục cải cách, củng cố hệ thống an sinh xã hội

(BKTO) - Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam vẫn cần tiếp tục được cải cách và củng cố hơn nữa nhằm hiện thực hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước hướng đến an sinh xã hội cho tất cả mọi người.



                
   

Thông điệp chính của Hội thảo là tiếp tục cải cách, củng cố các chính sách xã hội, hướng đến đảm bảo an sinh cho toàn dân. Ảnh:ILO

   

Đây là thông điệp chính tại Hội thảo “Đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2022: Xu hướng và khoảng trống” do Bộ Lao động - Thương Binh Xã hội (LĐ-TB&XH) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 20/4 với sự hỗ trợ tài chính bởi Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Ireland.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan thuộc Bộ LĐ-TB&XH, một số đối tác quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ Biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về chính sách xã hội, trong đó bao gồm an sinh xã hội (Nghị quyết 15). Các đại biểu nhất trí rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc kể từ năm 2012 khi Nghị quyết này được ban hành.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - nhấn mạnh: “Cần tiếp tục lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo các vấn đề xã hội được quản lý và giải quyết bằng công cụ chính sách xã hội. Các chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”.
                
   

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi, việc xây dựng và triển khai các chính sách xã hội phải hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Ảnh:ILO

   

Bà Ingrid Christensen - Giám đốc ILO Việt Nam - nhấn mạnh rằng, để tiến tới tầm nhìn an sinh xã hội cho toàn dân, Việt Nam phải tiếp tục dành những nỗ lực và nguồn lực đáng kể nhằm tăng cường hệ thống an sinh xã hội trên nhiều chiều cạnh khác nhau.

Ông Bùi Tôn Hiến - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - cho biết: “Quá trình triển khai thực hiện đã khẳng định Nghị quyết 15 hợp lòng dân, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người có công và an sinh xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội.”

Ông André Gama - Quản lý Chương trình An sinh Xã hội của ILO Việt Nam - nói thêm: “Những cải cách như vậy phải phù hợp với thực tế của bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam và dựa trên thành công của những tiến bộ đã đạt được trong thập kỷ qua”.

Đồng thời, ông André Gama nhấn mạnh, những cải cách như vậy cần được thiết kế và thực hiện dựa trên một loạt các nguyên tắc được chia sẻ bởi các cơ quan của Liên Hợp Quốc, bao gồm: Phối hợp và liên kết nhiều hơn giữa các chính sách và can thiệp khác nhau, hệ thống an sinh xã hội nhạy cảm hơn về giới và phản ứng với sốc, thiết kế các chính sách và can thiệp dựa trên cách tiếp cận vòng đời, đảm bảo an sinh xã hội không bỏ lại ai phía sau, thúc đẩy sự tham gia của nhiều bên liên quan trong quá trình hoạch định chính sách an sinh xã hội, tăng cường năng lực thể chế, tập trung vào các chương trình phổ quát toàn dân và các chương trình bắt buộc và tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách.

Tại Hội thảo, các cơ quan của Liên Hợp Quốc đều khẳng định và củng cố cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 15, cũng như hỗ trợ kỹ thuật hướng đến việc xây dựng một Nghị quyết mới định hình các chính sách xã hội đến 2030 và tầm nhìn 2045 nhằm mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân tại Việt Nam./.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Tiếp tục cải cách, củng cố hệ thống an sinh xã hội