Tiếp tục đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần

(BKTO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình lên Bộ Công Thương Đề án triển khai cơ cấu giá điện hai thành phần, bao gồm giá công suất và giá điện năng, dự kiến mở rộng áp dụng vào năm 2025.

Cụ thể, ngày 04/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gửi báo cáo lên Bộ Công Thương về đề xuất triển khai cơ cấu giá điện hai thành phần, bao gồm giá công suất và giá điện năng. Đề án này sẽ thí điểm trước cho một số nhóm khách hàng và dự kiến mở rộng áp dụng vào năm 2025.

Theo quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Chính phủ, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần, bao gồm giá công suất và giá điện năng, cho các nhóm khách hàng. Trên cơ sở này và chỉ đạo của Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu về giá điện hai thành phần với đơn vị tư vấn.

evnhanoi.jpg
EVN cũng đề xuất hai giai đoạn áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần: Giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn áp dụng chính thức.

Mục tiêu Đề án là tính toán và đề xuất cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hai thành phần cho các đối tượng khách hàng dựa trên dữ liệu kinh tế kỹ thuật, đồng thời xây dựng lộ trình áp dụng thử nghiệm và chính thức nhằm từng bước thay thế các biểu giá điện một thành phần trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay, đảm bảo phù hợp điều kiện hạ tầng kỹ thuật của ngành điện, các vấn đề pháp lý cũng như mức độ thích nghi với biểu giá mới của người tiêu dùng.

Cụ thể, EVN và đơn vị tư vấn đã xây dựng hai hệ thống biểu giá để áp dụng trong Đề án: Hệ thống biểu giá cơ sở và hệ thống biểu giá cho nhóm khách hàng thuộc Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Hệ thống biểu giá cơ sở: Hệ thống giá điện 2 thành phần này dựa trên nền tảng của chi phí biên dài hạn và điều chỉnh theo các đặc điểm hộ tiêu dùng. Phương án này phản ánh đầy đủ chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, chỉ có 2 nhóm khách hàng sinh hoạt và ngoài sinh hoạt.

Hệ thống biểu giá áp dụng cho một số nhóm khách hàng cụ thể trong giai đoạn hiện nay: Trước mắt, áp dụng cho các khách hàng theo Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 03/7/2024 của Chính phủ về cơ chế DPPA. Bên cạnh đó, do giá bán lẻ điện bình quân hiện nay Chính phủ, bộ, ngành đang điều tiết nên cần phải điều tiết biểu giá 2 thành phần trong điều kiện đang tồn tại 2 hệ thống giá (giá hiện hành và giá 2 thành phần).

Lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần được đề xuất qua hai giai đoạn: Thử nghiệm và chuyển đổi (áp dụng chính thức thí điểm với khách hàng được lựa chọn).

EVN cũng đề xuất lộ trình triển khai thực hiện chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn đề xuất áp dụng chính thức.

Về giai đoạn thử nghiệm: là giai đoạn thử nghiệm trên dữ liệu thời gian thực với việc tiếp tục áp dụng biểu giá bán lẻ điện hiện hành để tính hóa đơn tiền điện đến hết năm 2024. Kết quả tính toán tiền điện theo cơ chế giá 2 thành phần trong giai đoạn thử nghiệm tiếp tục dùng để so sánh, đánh giá, tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh phù hợp phục vụ mục tiêu hoàn thiện biểu giá sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi áp dụng chính thức biểu giá điện 2 thành phần đối với nhóm khách hàng này.

Song song với quá trình này là việc chuẩn bị đầy đủ các hành lang pháp lý từ các văn bản của Chính phủ như sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg đến Hợp đồng mua bán điện... nhằm sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi - áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần với nhóm khách hàng đã lựa chọn.

Giai đoạn đề xuất áp dụng chính thức giá 2 thành phần thí điểm cho khách hàng SXBT (chỉ số chốt giờ bình thường) trong tập khách hàng Nghị định số 80/2024/NĐ-CP dự kiến sẽ bắt đầu từ đầu năm 2025.

Theo đó, sau khi giai đoạn thử nghiệm kết thúc, quá trình hoàn thiện biểu giá 2 thành phần, chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý và các điều kiện liên quan khác, triển khai áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần thí điểm toàn bộ khách hàng SXBT của Nghị định số 80, thay thế cho biểu giá điện hiện tại. Các nhóm khách hàng khác tiếp tục thực hiện biểu giá hiện hành.

Trong quá trình áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần cho nhóm khách hàng này, một mặt cần tiếp tục thực hiện việc vi chỉnh các cơ cấu biểu giá điện hiện hành (đặc biệt là các nhóm hộ sản xuất và kinh doanh) để từng bước giảm bớt sự khác biệt về giá, làm căn cứ mở rộng việc áp dụng giá điện 2 thành phần.

Theo EVN, việc mở rộng đối tượng khách hàng áp dụng giá điện 2 thành phần là cần thiết để tiến tới áp dụng cho phần lớn khách hàng ở các giai đoạn áp dụng chính thức tiếp theo. Tuy nhiên, quá trình này cần triển khai bài bản, kỹ lưỡng, tránh các tác động không mong muốn làm sai lệch mục tiêu thay thế hệ thống giá bán lẻ điện hiện hành bằng hệ thống giá điện 2 thành phần - giá công suất, giá điện năng./.

Cùng chuyên mục
  • Công ty CP Bột giặt LIX tiếp tục được vinh danh Thương hiệu quốc gia
    19 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Công ty CP Bột giặt LIX là 1 trong 190 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024.
  • Phân bón Cà Mau lần thứ 6 liên tiếp nhận Giải thưởng Thương hiệu quốc gia
    19 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 4/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024. Tại chương trình, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, Hose: DCM) tự hào nhận vinh danh “Thương hiệu Quốc gia năm 2024”.
  • SABECO đạt hàng loạt giải thưởng quốc tế
    20 ngày trước Doanh nghiệp
    Là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, sản phẩm của SABECO không chỉ khẳng định chất lượng ở thị trường nội địa mà còn vươn tầm quốc tế minh chứng qua việc chất lượng sản phẩm được thị trường quốc tế công nhận qua hàng loạt giải thưởng.
  • Để doanh nghiệp Việt vươn tầm trong “kỷ nguyên mới”
    20 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp bán dẫn, tăng cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp vươn tầm trong “kỷ nguyên mới”, đó là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, đề xuất giải pháp khi trao đổi về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, chiều 04/11.
  • Thái Nguyên “đánh thức” tiềm năng phát triển dịch vụ logistics
    20 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Logistics là ngành dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao, không chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, mà còn góp phần phát triển hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin. Với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, Thái Nguyên định hướng phát triển trở thành trung tâm logistics của vùng.
Tiếp tục đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần