Tiếp tục duy trì Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

(BKTO) – Chiều 15/6, với 90,16% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), trong đó, Luật tiếp tục quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.



                
   

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA

   

Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 50 điều, quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh với nhiều quy định mới mang tính đột phá.

Cụ thể, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Luật quy định Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Luật cũng quy định, Nhà nước có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển tài năng điện ảnh, ưu tiên hỗ trợ tài năng trẻ; đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điện ảnh. Đồng thời, Nhà nước ưu tiên đầu tư, xây dựng một số cơ sở đào tạo, ngành đào tạo về điện ảnh đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật đào tạo chuyên ngành hoặc liên kết đào tạo điện ảnh ở trong nước và nước ngoài...

Liên quan đến vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định, chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là DN, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật Điện ảnh (sửa đổi), quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây: không được phổ biến phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng…
                
   

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

   

Về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động...

Theo quy định của Luật, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý; thực hiện thu, chi, quyết toán, công khai tài chính, tài sản và công tác kế toán theo quy định của pháp luật. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và KTNN về các hoạt động tài chính của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, tuy nhiên đề nghị làm rõ lý do đến nay Quỹ chưa được thành lập.

Về vấn đề này, theo báo cáo của cơ quan trình dự án Luật, Quỹ chưa thành lập được là do khó khăn về nguồn thu; nguồn thu của Quỹ không được quy định trong Luật Điện ảnh và Nghị định hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý Quỹ chưa rõ là đơn vị sự nghiệp hay DN hay tổ chức tài chính.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có hai lần xem xét, cho ý kiến về thành lập Quỹ, đề nghị nghiên cứu để đưa vào trong dự thảo Luật lần này. Hồ sơ dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã gửi kèm dự thảo Nghị định đã khắc phục các tồn tại nêu trên, quy định rõ nguồn thu, tổ chức bộ máy của Quỹ.
Đ. KHOA



Cùng chuyên mục
Tiếp tục duy trì Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh