Phiên họp thứ 45,Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, sáng ngày 24/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo công tác của Kiểm toán Nhà nước, nhiệm kỳ Quốc hội (QH) khóa XIII.
Tại phiên họp, sau khi nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày Dự thảo Báo cáo và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về công tác của KTNN nhiệm kỳ QH khóa XIII, đa số các ý kiến của UBTVQH đều đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tổng kết của KTNN đã nghiêm túc, công phu, có trách nhiệm và phản ánh khá đầy đủ, toàn diện hoạt động của KTNN. Đánh giá chung, trong nhiệm kỳ, KTNN đã không ngừng tiến bộ và có những đóng góp quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, góp một phần trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan nhà nước đối với hoạt động của QH để quản lý, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tài chính có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước.
Đánh giá cao giá trị Báo cáo kiểm toán của KTNN hàng năm và vai trò của KTNN trong việc giúp QH kiểm soát NSNN, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhìn nhận, KTNN là vũ khí tin cậy nhất của QH để kiểm soát tài chính quốc gia. Nhưng điều đáng tiếc là nhiều kiến nghị của KTNN đã không được thực hiện triệt để. Điểm yếu ở đây chính là sự phối hợp trong giám sát thực hiện kiến nghị hậu kiểm toán làm chưa tốt. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của QH với KTNN trong hoạt động giám sát một cách thực chất.
Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng, Dự thảo Báo cáo của KTNN nhiệm kỳ này đã phản ánh tương đối đầy đủ tổ chức hoạt động của KTNN, có đánh giá nhận xét tương đối chính xác thực trạng hiện nay. Hoạt động của KTNN trong nhiệm kỳ này có nhiều đổi mới, tiến bộ, kết quả rõ hơn, góp phần quan trọng vào những đổi mới chung của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông đề nghị Báo cáo cần nói rõ hơn kết quả xử lý những kiến nghị của KTNN như thế nào. Cần phải có chế tài để thực hiện các kiến nghị và kết luận của KTNN, phải có chế tài kỷ luật đối với những cơ quan, cá nhân không thực hiện các kết luận của KTNN. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị cần tăng cường vai trò báo cáo của KTNN trước QH vì các đại biểu QH rất quan tâm đến Báo cáo kiểm toán.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện góp ý, trong thời gian tới KTNN cần đẩy mạnh kiểm toán hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản, tài chính; đồng thời khắc phục sự chồng chéo giữa hoạt động KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác của Nhà nước.
Đặc biệt, UBTVQH bày tỏ đồng tình cao đối với các kiến nghị, đề xuất của KTNN, đặc biệt là việc kiện toàn bộ máy tổ chức, củng cố về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ KTNN để đảm bảo cho KTNN đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ KTNN; rà soát và điều chỉnh Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được UBTVQH khóa XII ban hành để phù hợp với tình hình mới...
Cũng trong phiên làm việc sáng ngày 24/02, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII. Theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ 11 dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 16 ngày (không kể ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc diễn ra vào ngày 21/3 và bế mạc vào ngày 09/4/2016.
Nội dung kỳ họp tập trung chủ yếu cho công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, đồng thời QH sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến đối với dự án Luật Biểu tình. Bên cạnh đó, QH sẽ tập trung xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2015; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, quyết định các kế hoạch liên quan đến kinh tế - xã hội và NSNN 5 năm 2016-2020. Ngoài ra, kỳ họp cũng dự kiến sẽ dành thời gian để kiện toàn một số chức danh lãnh đạo của Nhà nước.
ĐĂNG KHOA