Tiếp tục xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

(BKTO) - Ngày 24/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương (T.Ư) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

1.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: tuyengiao.vn

Chủ trì Hội nghị gồm các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Lê Quốc Minh - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TTTT.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 700 đại biểu, gồm: Đại diện lãnh đạo các ban, Bộ, ngành, đoàn thể T.Ư; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quan báo chí; đại diện lãnh đạo các thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở TTTT, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố; cơ quan báo chí T.Ư và địa phương...

Các thông tin tuyên truyền ngày càng đậm nét, có chiều sâu

Tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm cho biết, năm 2022, báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện những bước chuyển mình quan trọng: Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, nhạy bén, hiệu quả.

0.jpg
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: tuyengiao.vn

Công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí nêu cao tinh thần chủ động, tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó, đặc biệt ưu tiên dung lượng, thời lượng tuyên truyền nghiên cứu, quán triệt đưa các Nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống; góp phần rất quan trọng vào việc củng cố, tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Công tác chấn chỉnh, xử lý sai phạm và dấu hiệu sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là những vấn đề liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, được thực hiện bài bản, quyết liệt, nhằm hỗ trợ báo chí phát triển đúng định hướng, lành mạnh. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, thực hiện chuyển đổi số báo chí...

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm đánh giá, trong năm 2022, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước.

Các thông tin tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều cơ quan báo chí đã tích cực truyền cảm hứng về tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng, đất nước; cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp làm giàu, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp; tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, công tác báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn thực hiện kéo dài, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Một số Sở TTTT chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn…

Vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt; không có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài. Thông tin tích cực, tiêu cực trên mặt báo vẫn chưa có sự cân đối. Tính định hướng, tính dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp cụ thể còn chậm, thiếu nhạy bén...

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận để báo chí phát huy tốt nhất vai trò, sứ mệnh của mình trong thời gian tới, thực sự “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”; đặc biệt là trong bối cảnh chuẩn bị tổ chức các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến; chuyển đổi số báo chí; liên kết trong hoạt động báo chí; công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa; quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025…

Cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, quản lý báo chí

Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đã đánh giá cao những kết quả mà các cơ quan báo chí đã đạt được trong năm 2022.

2.jpg
Quảng cảnh Hội nghị. Ảnh: tuyengiao.vn

“Với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Việt Nam là một điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới, là quốc gia có tình hình chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí và những người làm báo cả nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát định hướng chính trị, nắm bắt thực tiễn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” - Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ trong năm 2023 và thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư yêu cầu báo chí cần quán triệt tốt Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đề án này nhằm nhìn lại lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam; trách nhiệm của báo chí Việt Nam với đất nước trong thời gian tới... gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá làm tốt hơn công tác quy hoạch, quản lý báo chí, xuất bản, gắn với tổng thể sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết thực hiện sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí, trong đó Bộ TTTT, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan, địa phương đồng tình, phối hợp thực hiện .

Đặc biệt, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần phải quan tâm đến nguồn lực con người báo chí; nguồn lực đầu tư ứng dụng công nghệ và nguồn lực tài chính ngân sách. “Những nguồn lực này có vài trò quan trọng để phát triển hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm tiếp nối truyền thống làm báo cách mạng của cha ông” - Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư nhận định.

Tại Hội nghị, thay mặt Ban Tổ chức, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1256/QĐ-TTg, ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

4.jpg
Các tập thể được khen thưởng tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022,
triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh tuyengiao.vn

Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo T.Ư tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022 và 22 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022.

Báo Kiểm toán vinh dự nhận Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022./.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại