Quang cảnh buổi làm việc- Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đây là cuộc làm việc thứ 3 của Tiểu ban (do Thủ tướng chủ trì) với các địa phương nhằm khảo sát thực tế tại các Bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế- xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm. Hồi tháng 5, Tiểu ban đã có cuộc làm việc với TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương Nam Bộ và trước đó là cuộc làm việc đầu tiên với TP. Hà Nội và 12 địa phương lân cận vào 23/4/2019.
Cùng dự với Thủ tướng tại cuộc làm việc hôm nay có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các thành viên Tiểu ban; lãnh đạo 10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
“Lắng nghe các ý kiến nói thẳng"
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu chính của cuộc làm việc là “lắng nghe các ý kiến nói thẳng, như trong miền Trung, Tây Nguyên gọi nôm na là “nói toạc móng heo”, về các vướng mắc, trở ngại”. Nói cái tốt, cái mới cần nhân rộng trong phát triển của đất nước thông qua khu vực 10 địa phương “đầy nắng, đầy gió”.
Theo Thủ tướng, miền Trung, Tây Nguyên có vị trí địa lý, có vai trò kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại quan trọng và thời gian qua, có nhiều đóng góp vào sự phát triển đất nước. Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng… Dân số của vùng trên 12 triệu người, chiếm gần 13% dân số cả nước, chiếm 1/4 diện tích cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, cây công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Những thế mạnh này cần đặt ra rõ hơn trong thảo luận về chiến lược phát triển của đất nước. “Từng tỉnh phải làm gì, cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên phải làm gì để đóng góp cho sự phát triển đất nước? Có phải đây là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn lắng nghe ý kiến từ các địa phương để làm sao văn kiện bám sát, “không thoát ly thực tiễn”, không chỉ góp ý tầm nhìn 5 năm, 10 năm mà hướng tới năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước, “chúng ta đạt đến trình độ nào trong phát triển”. “Chúng ta phải có khát vọng đưa đất nước, đưa miền Trung, Tây Nguyên phát triển hơn nữa chứ không phải dừng lại ở đây”.
Thủ tướng đề nghị các địa phương phát biểu ý kiến để Tiểu ban tổng hợp, phân tích, trong đó, nêu một số vấn đề gồm: Nét nổi bật, kết quả đạt được, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế- xã hội của địa phương mình trong 5 năm, 10 năm qua, đặc biệt là “những cách vận dụng sáng tạo, mô hình mới, thành công mới, những nút thắt, vấn đề trọng tâm cần giải quyết là gì”. Từ đó, đề xuất phương hướng, mục tiêu phát triển địa phương, vùng và cả nước; đề cập thêm về quan điểm phát triển, đột phá chiến lược. “Cùng với 3 đột phá mà Đại hội trước đã nói thì lần này có đột phá chiến lược nào mới mà các đồng chí đề xuất?”.
Nhiệm kỳ tới, phần lớn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên phải tự cân đối được ngân sách
Dành hơn 5 tiếng đồng hồ lắng nghe ý kiến của 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên cũng như các Bộ, ngành, kết luận cuộc làm việc vào lúc hơn 13h, Thủ tướng nhìn nhận 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên trong thời gian qua đạt nhiều thành tựu lớn trên nhiều mặt, có mặt vượt bậc. Tuy nhiên, các địa phương đối diện một số thách thức như phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, tiêu… vượt quy hoạch, ảnh hưởng đến nước tưới, giảm năng suất, dư thừa cung. Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương không được phá rừng, cả rừng nghèo, để làm cây công nghiệp mà phải thâm canh, tái canh.
Thủ tướng trao đổi bên lề với các đại biểu tham dự buổi làm việc- Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng chỉ ra việc phát triển các nhà máy thủy điện quá mức, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, giảm diện tích rừng đầu nguồn. “Do đó cần đặt ra vấn đề phát triển bền vững”, Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, nhất là quản lý rừng, nông lâm trường chưa đạt hiệu quả.
Giao thông nội vùng và đối ngoại nhìn chung còn thiếu và yếu, do đó, chi phí vận chuyển cao, sức cạnh tranh giảm, khó thu hút đầu tư và gây khó khăn trong hợp tác vùng. Thiếu cơ chế liên kết vùng hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp trong vùng còn thấp.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm phát triển đối với vùng là phát triển để ổn định chứ không phải ổn định để phát triển. Quan điểm nữa là phát triển xanh, chống sa mạc hóa Tây Nguyên và sạt lở bờ sông, bờ biển ở miền Trung… “Nếu cả một Tây Nguyên xanh, cả miền Trung xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hết sức sâu sắc như thế này thì chúng ta yên tâm”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhất trí với các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu phân vùng hợp lý hơn, cần có cơ chế liên kết vùng hiệu quả hơn, cần lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Cơ cấu lại các ngành, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch. Khôi phục, phát triển kinh tế rừng. “Nếu không có rừng ở đây thì nước cho Tây Nguyên, cho miền Trung, cho Đông Nam Bộ rất khó khăn”, Thủ tướng nói.
Xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững hiệu quả, có doanh nghiệp làm nòng cốt, hợp tác xã là trọng tâm, nông dân là chủ thể. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Khu vực này cần quan tâm đặc biệt đến an sinh xã hội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba đột phá chiến lược cùng với đổi mới sáng tạo cần áp dụng cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, để tháo gỡ nút thắt trong phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ tới, phần lớn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên phải tự cân đối được ngân sách.
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)