Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vẫn làm khó doanh nghiệp

(BKTO) - Hiện nay, trong hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) vẫn còn tồn tại nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa thực sự hợp lý, minh bạch và khả thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong việc đáp ứng cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

15.-quy-chuan-1.jpg
Trong hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật vẫn còn tồn tại nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa thực sự hợp lý, minh bạch và khả thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Theo khảo sát của VCCI, hiện nay có khoảng 800 QCKT và gần 14.000 tiêu chuẩn quốc gia của tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa hợp lý, thiếu tính khả thi

Nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, qua 17 năm thi hành Luật Tiêu chuẩn và QCKT, các cơ quan nhà nước đã ban hành số lượng lớn các tiêu chuẩn và QCKT bao phủ nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Hệ thống này đóng vai trò nền tảng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu về an toàn sức khỏe con người, vệ sinh môi trường và lợi ích công cộng. Bên cạnh đó, trên tiến trình đất nước hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều tiêu chuẩn, QCKT đã được hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, nhằm thực thi các cam kết tự do hóa thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Đồng thời, hệ thống tiêu chuẩn được cập nhập thường xuyên để đáp ứng yêu cầu mới của khoa học kỹ thuật và nhu cầu của thị trường. Nhờ vậy, sức cạnh tranh của các ngành hàng trong nước ngày càng phát triển.

Bên cạnh những kết quả tích cực, chất lượng của nhiều tiêu chuẩn và QCKT vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của DN. Chỉ ra những bất cập cụ thể, ông Phạm Văn Hùng - Ban Pháp chế, VCCI - cho biết, một số QCKT đưa ra chỉ tiêu quá nghiêm ngặt so với thực tiễn. Theo ông Hùng, ở Việt Nam, do nguồn kinh phí cho nghiên cứu còn hạn chế và đặc biệt là chưa thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động đến DN, nền kinh tế, nên trong nhiều trường hợp, các yêu cầu kỹ thuật được đưa ra chủ yếu dựa trên kinh nghiệm chủ quan của cán bộ quản lý hoặc sao chép từ tiêu chuẩn nước ngoài. Vì vậy, tình trạng một số chỉ tiêu quá cao trong các QCKT vẫn xuất hiện, gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Các ví dụ được DN phản ánh như độ ẩm của phân vi sinh quá thấp trong QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân bón; hay yêu cầu quá cao đối với nhà xưởng của QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình…

Ở chiều ngược lại, lại có những QCKT có chỉ tiêu quá dễ đáp ứng gây tốn kém chi phí kiểm tra. Ông Hùng cho biết, nếu các chỉ tiêu quá cao và nghiêm ngặt, DN sẽ phải chi nhiều chi phí để tuân thủ. Ngược lại, chỉ tiêu quá thấp cũng gây vấn đề, vì khi đó mọi loại hàng hóa trên thị trường đều dễ dàng đáp ứng, bất kể có chỉ tiêu đó hay không. Điều này dẫn đến việc lãng phí chi phí thử nghiệm và chứng nhận không cần thiết. Đơn cử như, chỉ tiêu hoạt động phóng xạ đối với xỉ lò cao và tro bay trong QCVN 16:2023/BXD về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; chỉ tiêu kim loại nặng trong thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thực vật trong QCVN 01-190:2020/BNNPTNT về thức ăn chăn nuôi...

Đặc biệt, còn tồn tại các tiêu chuẩn, QCKT có nội dung không rõ ràng hoặc nhiều nghĩa, gây tranh cãi trong quá trình áp dụng. Ví dụ, năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 772:2020/BVTV Phân bón - xác định hàm lượng silic hữu hiệu trong phân silicat kiềm bằng phương pháp khối lượng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN trong ngành, trên thực tế không có sản phẩm nào được gọi là “phân silicat kiềm”. Vì thế, khi DN sử dụng TCCS 772:2020/BVTV để thử nghiệm các loại phân bón có gốc kiềm thì không được cơ quan nhà nước chấp nhận. “Sự không thống nhất về ngôn từ này dẫn đến việc sản phẩm phân bón của một số DN bị coi là hàng giả, hàng kém chất lượng. Một số DN đã bị xử phạt và bị tịch thu hàng hóa vì vấn đề này” - ông Hùng thông tin.

Từ góc độ DN hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận sự phù hợp các sản phẩm điện tử, viễn thông, ông Trần Thanh Phương - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn ExtendMax Việt Nam - cho biết, các DN trong ngành đang phải đối mặt với bài toán chi phí tuân thủ tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây, do những khó khăn phát sinh trong việc thực hiện tuân thủ quy định về hợp quy. Cụ thể, nếu như trước năm 2022, chi phí thử nghiệm và hợp quy cho điện thoại 5G khoảng 70 triệu, thì sau năm 2022 có giai đoạn tăng lên tới 3 tỷ, giờ ổn định ở mức khoảng 1 tỷ đồng cho 1 model.

Chú trọng đánh giá tác động khi ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn

Theo các chuyên gia, các tiêu chuẩn và QCKT là những văn bản pháp lý có tác động rất lớn đến hoạt động của DN. Nếu các tiêu chuẩn và QCKT được xây dựng hợp lý, minh bạch, khả thi và thống nhất có thể là hạ tầng quan trọng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và nền kinh tế. Ngược lại, nếu các tiêu chuẩn và QCKT không hợp lý, quá mức cần thiết có thể nảy sinh nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động của các DN như làm tăng chi phí, kéo dài thời gian cung ứng hàng hoá, dịch vụ…

Từ yêu cầu đó cũng như trước những vướng mắc, bất cập còn tồn tại, đưa khuyến nghị để nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn và QCKT, các chuyên gia cho rằng, trước hết, các QCKT chỉ nên được ban hành nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa hoặc các lợi ích công cộng. Trước khi ban hành một QCKT, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc các giải pháp khác như quy định trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra rủi ro hoặc các biện pháp giám sát quá trình khác. Đồng thời, khi lựa chọn đưa các chỉ tiêu thử nghiệm vào trong QCKT cũng cần thuyết minh về mục tiêu nâng cao tính an toàn, chứ không nên đưa các chỉ tiêu về phẩm cấp của hàng hoá. Các chỉ tiêu không nên cao quá khiến ít DN đáp ứng được và cũng không nên thấp quá gây lãng phí chi phí thử nghiệm. Ngoài ra, các QCKT không được phép bao gồm nội dung về điều kiện đầu tư kinh doanh. Tính tương thích của tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam với quốc tế cũng cần được chú trọng để bảo đảm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của DN.

Đặc biệt, cần đưa báo cáo đánh giá tác động thành một tài liệu bắt buộc trong hồ sơ xây dựng các QCKT. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động bao gồm các vấn đề về sự cần thiết, tính hợp lý và tính khả thi của việc ban hành QCKT. Cùng với đó, việc tham vấn đối tượng chịu tác động khi soạn thảo tiêu chuẩn và QCKT là hết sức quan trọng. Đồng thời, đối với công tác thẩm định, cần có sự tham gia nhiều hơn của đại diện các đối tượng chịu tác động và đơn vị pháp chế. Các ý kiến trong báo cáo thẩm định cần được giải trình hoặc tiếp thu trước khi ban hành QCKT./.

Cùng chuyên mục
  • Kỹ năng nghề là then chốt để phát triển việc làm bền vững
    hôm qua Pháp luật
    (BKTO) - Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là cơ hội để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế tư nhân và sắp xếp, tinh gọn bộ máy; từ đó, tạo động lực mạnh mẽ phát triển thị trường lao động một cách bền vững.
  • Sửa Luật Cán bộ, công chức: Rõ ràng mối quan hệ giữa vị trí việc làm và ngạch công chức
    hôm qua Pháp luật
    (BKTO) - Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn quy định về phương thức quản lý, đánh giá, tuyển dụng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm để bảo đảm minh bạch khả thi; bổ sung, làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức…
  • Lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp trên VNeID đến hết ngày 29/5
    2 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 3883/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
  • Bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt
    2 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Sáng 07/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi). Trong đó, Dự thảo Luật sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính (ĐVHC), tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền...
  • Bộ Công an nói gì về tiến độ điều tra vụ sữa giả, thuốc giả?
    2 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, các nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tiến độ, kết quả điều tra ban đầu đối với vụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả; cũng như giải pháp để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán các mặt hàng này. Đại diện Bộ Công an và Bộ Y tế đã thông tin chi tiết về vấn đề này.
Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vẫn làm khó doanh nghiệp