(BKTO) - Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là cơ hội để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế tư nhân và sắp xếp, tinh gọn bộ máy; từ đó, tạo động lực mạnh mẽ phát triển thị trường lao động một cách bền vững.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH
Kinh tế tư nhân - động lực chính trong tạo việc làm bền vững
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tại Phiên họp sáng 7/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đến nay, về cơ bản, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan.
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến ĐBQH đồng thuận với nội dung sửa đổi và đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là cơ hội để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế tư nhân và sắp xếp, tinh gọn bộ máy; từ đó, tạo động lực mạnh mẽ phát triển thị trường lao động một cách bền vững.
Đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung để bảo đảm việc thể chế hóa đầy đủ nhất các chủ trương lớn của Đảng; trong đó cần ưu tiên, hỗ trợ kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững cho người lao động; xem xét phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn quốc; có cơ chế phối hợp liên ngành trong triển khai chính sách giải quyết việc làm.
Khu vực tư nhân hiện thu hút khoảng 82% lực lượng lao động, mục tiêu đến năm 2030 đạt 84-85%. Nếu Luật không tạo môi trường lao động thuận lợi, bình đẳng hơn cho kinh tế tư nhân, chúng ta khó đạt mục tiêu đó; tốc độ tạo việc làm mới sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
ĐBQH Trần Văn Khải
Đại biểu cũng chỉ rõ, Dự thảo Luật còn thiếu quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Theo đại biểu, điều này có thể khiến Việt Nam tụt hậu, người lao động lỡ cơ hội việc làm mới và doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị bổ sung tại Điều 9 khoản 2 nội dung “Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm được vay vốn với lãi suất ưu đãi”; bổ sung tại Điều 23 khoản 1 nội dung “Xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động đáp ứng chuyển đổi số”. Đồng thời, bổ sung nội dung: “Phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn quốc”, giúp người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin tuyển dụng.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) nêu rõ, Điều 9 Dự thảo Luật quy định đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn. Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định số lượng cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ tối thiểu bao nhiêu lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… thì được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Hỗ trợ người lao động tái đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp
Qua thảo luận, các ĐBQH cũng nhấn mạnh việc phát triển kỹ năng nghề, có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nhằm giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh), phát triển kỹ năng nghề là nền tảng then chốt để tăng năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực. Đại biểu đề xuất bổ sung rõ ràng quy định Nhà nước khuyến khích và thiết lập cơ chế hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức thực tập, đánh giá kỹ năng nghề. Các doanh nghiệp sử dụng trên 300 lao động có trách nhiệm phối hợp với ít nhất một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề theo mô hình kép.
Đại biểu Lý Anh Thư phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Đại biểu Đoàn Trà Vinh cũng kiến nghị làm rõ chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề đào tạo lại cho người lao động bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; đồng thời, bổ sung một khoản riêng là "có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo” nhằm đảm bảo khả năng thích ứng và chuyển đổi việc làm.
Đồng quan điểm, đại biểu Lý Anh Thư (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) phân tích, trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng do chuyển đổi số, tự động hóa và tái cấu trúc ngành nghề, lực lượng lao động, đặc biệt là nhóm lao động trung niên, lao động giản đơn và người làm việc trong khu vực phi chính thức đang đối mặt với nguy cơ mất việc làm và tụt hậu kỹ năng.
Mặc dù, chúng ta đã có những chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn việc làm, tham gia đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào trợ cấp thất nghiệp.
“Điều này mới đang giải quyết ở một phần ngọn, trong khi chưa có cơ chế khuyến khích như người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, tái định hướng nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng thường xuyên, liên tục để duy trì việc làm mà không phải mất việc làm khi mới học nghề. Thực trạng này dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào bảo hiểm thất nghiệp mà không giải quyết được gốc rễ là việc thiếu kỹ năng nghề phù hợp với thị trường lao động, đặc biệt là các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin” - đại biểu Lý Anh Thư chỉ rõ.
Một số quốc gia phát triển như Singapore, Đức và Đan Mạch đã có các chính sách chuyển đổi từ trợ cấp bị động sang mô hình đầu tư kỹ năng hỗ trợ người lao động học nghề mới chuyển ngành nghề phù hợp, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Dẫn kinh nghiệm trên, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước về việc làm: Hỗ trợ người lao động tái đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với nền công nghệ số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, triển khai trợ cấp, tái đào tạo trong thời gian người lao động học nghề; nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động với nhiều lao động là người khuyết tật.
Về nguồn ngân sách thực hiện chương trình, đại biểu đề xuất trích từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. “Việc mở rộng mục tiêu sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ, tái đào tạo, chuyển đổi ngành nghề có định hướng thay đổi vì chỉ học nghề ngắn hạn sẽ không làm phát sinh Quỹ mới mà chỉ là cơ cấu lại tỷ trọng ngân sách theo hướng chủ động, từ đó góp phần vào thực hiện chính sách hiệu quả, ổn định hơn” - đại biểu Lý Anh Thư nêu quan điểm.
(BKTO) - Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn quy định về phương thức quản lý, đánh giá, tuyển dụng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm để bảo đảm minh bạch khả thi; bổ sung, làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức…
(BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 3883/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
(BKTO) - Sáng 07/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi). Trong đó, Dự thảo Luật sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính (ĐVHC), tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền...
(BKTO) - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, các nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tiến độ, kết quả điều tra ban đầu đối với vụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả; cũng như giải pháp để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán các mặt hàng này. Đại diện Bộ Công an và Bộ Y tế đã thông tin chi tiết về vấn đề này.
(BKTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công, tránh chồng chéo, buông lỏng quản lý hoặc bỏ trống trách nhiệm.