Những tín hiệu vui
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, không có tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào những tháng cuối năm như những năm trước. Ngay trong quý I, nhiều ngân hàng đã có dư nợ cho vay vượt khá xa mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương (tăng 5,6%); Ngân hàng TMCP Ngoại thương (tăng hơn 8%); Ngân hàng TMCP Quốc tế (tăng 5,7%)...
Còn theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố mới đây, tính tới thời điểm 20/6, tăng trưởng tín dụng đạt mức 7,54% so với tháng 12/2016, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Việc tín dụng tăng nhanh là do thời gian qua, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng. Đặc biệt, NHNN đã thực hiện một số giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các TCTD có khả năng xem xét và cam kết mở rộng tín dụng đối với DN nhỏ và vừa hoạt động sản xuất kinh doanh như: chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các TCTD đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng DN; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xây dựng, sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ thông qua các Quỹ bảo lãnh, Quỹ phát triển DN nhằm tăng cường năng lực tài chính cho DN.
Cùng với mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, “việc tín dụng tăng trưởng cao so với những năm trước đây đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công chưa được đẩy mạnh trong những tháng đầu năm” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Còn theo VERP, điều đáng mừng là tín dụng tăng trưởng “nóng” nhưng vẫn giữ được sự ổn định cho toàn hệ thống. Thanh khoản trên thị trường vẫn dồi dào giúp giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất. Đặc biệt, tín dụng tăng nhanh chủ yếu trong quý II cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Ngoài ra, đây cũng là một tín hiệu phản ánh khả năng hấp thụ vốn của các DN đã được cải thiện.
Kiểm soát dòng chảytín dụng
Tuy nhiên, VERP nhận thấy một nghịch lý đang hiện hữu là tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn thấp. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động chỉ đạt 5,8%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (năm 2016 là 8,23%). Điều này tạo ra tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu vốn vay.
Bên cạnh đó, theo VERP, trên thị trường tài chính, tín dụng tăng trưởng ở mức cao đưa tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực và xấp xỉ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2009. Đây là một thực tế mà nhà điều hành cần theo dõi chặt chẽ vì nó hàm chứa nhiều rủi ro đối với thị trường vốn. Nếu vốn ngân sách được giải ngân mạnh vào cuối năm thì rất dễ gây sức ép mới về thanh khoản và lãi suất. Để bình ổn, NHNN có thể phải bổ sung lượng phương tiện thanh toán về cuối năm. Điều đó có thể khiến lạm phát cao hơn vào năm 2018. Mặt khác, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng cao hơn tiền gửi, VERP cũng lưu ý, những rủi ro lớn có thể xuất hiện trên thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán) dẫn tới những thay đổi không đồng đều trên các thị trường này (thị trường chứng khoán tăng nhanh, trong khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại).
Đồng tình với dự báo trên, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) - nhận định, hiện thanh khoản ngân hàng vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, tới đây, nếu tín dụng tăng trưởng cao trên 18% trong khi huy động vốn không đảm bảo thì cuối năm, bài toán về thanh khoản sẽ trở nên phức tạp, khó khăn. Do vậy, NHNN không nên điều chỉnh tín dụng tăng quá 18%.
Mặt khác, TS. Cấn Văn Lực phân tích thêm, về lý thuyết, giữa tín dụng và tăng trưởng có mối quan hệ tương quan nhưng trên thực tế, khi tín dụng tăng trưởng 10% thì GDP chỉ tăng thêm 0,5%. Trong nền kinh tế, đầu tư chỉ là 1 trong 3 cấu phần quan trọng góp phần vào tăng trưởng, vốn chỉ đóng góp 45-48%, chứ không phải tất cả. Nếu tiếp tục đẩy mạnh tỷ lệ đầu tư cao, tín dụng tăng trưởng “nóng” thì có thể dẫn đến những hệ lụy lâu dài đối với nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, trong chu kỳ sắp tới, nhằm đảm bảo cho các cân đối vĩ mô và để nỗi lo không lấn át những niềm vui, kiểm soát tốt dòng chảy tín dụng vẫn là điều mà NHNN cần lưu tâm trong chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ.
NGỌC MAI
Theo tuần Báo ra ngày 13-7-2017