Tín dụng ưu đãi giúp nông dân Quảng Ngãi giảm nghèo

(BKTO) - Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện đầu tư nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

vbsp_quang-ngai1.jpg
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi tích cực, tập trung nguồn lực, tổ chức giải ngân cho vay thông qua các chương trình tín dụng. Ảnh: Nguồn Vbsp

Đến xã Ba Cung, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi sẽ được tận mắt chứng kiến nhiều gia đình nơi đây đã thoát nghèo nhờ có vốn vay Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển kinh tế. Gia đình anh Phạm Văn Đường là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Văn Đường chia sẻ, từ năm 2015 trở về trước, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và tiền làm thuê. Ngay sau khi Đoàn thanh niên xã triển khai chính sách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, anh Đường quyết định vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay dành cho hộ nghèo đầu tư trồng hơn 2,5ha cây keo lai. Nhờ được tập huấn kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh; gia đình anh Đường đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, vươn lên thoát nghèo.

nong-dan-xa-hanh-nhan-huyen-nghia-hanh-tinh-quang-ngai-vay-von-chuong-trinh-giai-quyet-viec-lam-dau-tu-cai-tao-vuon-d.jpg
Nông dân xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi vay vốn Chương trình giải quyết việc làm để đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh: TS

Đến nay, gia đình anh Đường đã trồng được 4ha keo và mua xe tải phục vụ chuyên chở cây keo nguyên liệu, đem lại doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Anh Đường là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương.

Bà Đinh Thị Trí ở thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà cho biết, với nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, gia đình bà đã đầu tư xây dựng phát triển mô hình chăn nuôi. Tham gia các buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm, gia đình bà đã áp dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi và quản lý sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả cao. Mô hình chăn nuôi của gia đình luôn có từ 4 - 5 con lợn nái, 50 con lợn thịt , gần 1.000 con vịt; đến nay kinh tế gia đình bà đã ổn định, không còn khó khăn như trước.

Trong thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 30/6/2023 là hơn 4.845 tỷ đồng, tăng hơn 323,5 tỷ đồng (tăng 7,2%) so với năm 2022, đạt 84,9% kế hoạch tăng trưởng giao năm 2023. Đối với dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ đạt gần 248,6 tỷ đồng, tăng hơn 37,5 tỷ đồng so với năm 2022, đạt 57,4% kế hoạch tăng trưởng.

Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Thị Thùy Linh nhấn mạnh, để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai các chương trình tín dụng kịp thời, giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể để củng cố, kiện toàn hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng được thụ hưởng.

Trong nhiều năm gần đây, các tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng CSXH phân bổ đều khắp ở hầu hết các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh. Mỗi xã, thị trấn bố trí 1 điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm phục vụ các đối tượng tại địa bàn.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn vốn chính sách, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn./.

Cùng chuyên mục
Tín dụng ưu đãi giúp nông dân Quảng Ngãi giảm nghèo